Thí sinh tự quyết định thứ tự nguyện vọng
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 18/7, thí sinh chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển của Bộ GD&ĐT (thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn). Thí sinh được quyền đăng ký không giới hạn nguyện vọng và điều chỉnh không giới hạn số lần; hạn cuối là 17 giờ ngày 30/7.
Nguyên tắc được nhắc đi nhắc lại, đó là: thí sinh nên đặt ngành và trường yêu thích nhất làm nguyện vọng 1; hệ thống sẽ xét từ trên xuống dưới một cách bình đẳng và thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất.
Nhiều thí sinh đặt câu hỏi: “Nếu trường đã trúng tuyển qua phương thức xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh phải đặt trường đó ở nguyện vọng 1 thì phải làm sao?” hay “Nên đặt nguyện vọng 1 là trường mình thích hay trường bố mẹ mong muốn?”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), thứ tự các nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh và thí sinh là người quyết định việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng của mình.
Hệ thống xét tuyển của Bộ sẽ xét từ trên xuống, thí sinh đỗ ở nguyện vọng nào sẽ dừng ở nguyện vọng đó, không xét tiếp nữa. Nếu thí sinh yêu thích, mong muốn học ngành/trường đã trúng tuyển sớm nhất thì hãy đặt là nguyện vọng 1. Khi đó, thí sinh chắc chắn trúng tuyển nguyện vọng đó. Trong trường hợp đặt ngành/trường trúng tuyển sớm là nguyện vọng thứ n, nếu các nguyện vọng phía trên bị trượt, hệ thống vẫn xác định thí sinh trúng tuyển thứ n.
“Những ngành/trường đã trúng tuyển sớm có thể đặt ở đầu nếu các em thực sự yêu thích, ngược lại có thể đặt phía sau. Nếu trượt nguyện vọng yêu thích phía trên, thí sinh vẫn chắc chắn trúng tuyển vào các trường/ngành đã đỗ sớm, dù đặt ở dưới” - PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương khẳng định.
Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, thí sinh phải tỉnh táo để tự quyết định việc sắp xếp nguyện vọng theo ý muốn của mình. Nếu đó chưa phải là ngành, trường học muốn được học nhất thì không nên để là nguyện vọng 1.
“Hệ thống đăng ký của Bộ GD&ĐT thiết kế để các em được học ở trường tốt nhất, đúng với nguyện vọng nhất. Các em thích học trường nào, hãy đặt nguyện vọng đó lên trên rồi mới đến những nguyện vọng thấp hơn và cuối cùng là các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm" - GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo gợi ý.
Nhằm bảo đảm công bằng và quyền lợi của thí sinh, trước đó, Bộ GD&ĐT nhắc nhở các cơ sở đào tạo không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ…). Tất cả các thí sinh trúng tuyển sớm phải được đưa lên hệ thống để xử lý nguyện vọng nếu thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Tránh nhầm lẫn giữa điểm sàn và điểm chuẩn
Thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 100 cơ sở đào tạo đã công bố mức điểm sàn năm 2024 theo các phương thức, trong đó có phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Hiện mức điểm sàn cao nhất là 24 điểm, thuộc về một số ngành của trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương; mức điểm sàn thấp nhất là 14 điểm thuộc về Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.
Các chuyên gia nhấn mạnh sự khác biệt giữa điểm sàn và điểm chuẩn để thí sinh không nhầm lẫn. Theo đó, điểm sàn luôn được công bố trước hoặc trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng, làm cơ sở tham khảo cho thí sinh trong đăng ký nguyện vọng. Điểm chuẩn được công bố sau thời gian đăng ký nguyện vọng, đây là điểm trúng tuyển chính thức do nhà trường công bố.
Căn cứ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT theo từng tổ hợp năm nay, đại diện một số trường đại học dự báo điểm chuẩn năm 2024 đều tăng nhẹ; đặc biệt, các tổ hợp xét tuyển khối C00 (văn, sử, địa) sẽ cao hẳn hơn so với năm 2023. Do đó, nếu thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn theo tổ hợp xét tuyển chỉ đạt mức bằng hoặc cao hơn 1 điểm so với mức điểm sàn của các trường thì không nên đăng ký ở những trường tốp đầu mà chọn những trường tốp giữa hoặc tốp dưới có ngành mình yêu thích.
Bên cạnh đó, thí sinh cần tìm hiểu về mức điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT trong 3 - 5 năm trở lại đây để có cái nhìn tổng quan nhất; đồng thời tham khảo dự đoán của thầy cô để sắp xếp thứ tự nguyện vọng, từ đó tối ưu hoá khả năng trúng tuyển.
Năm 2024, quy chế tuyển sinh giữ ổn định so với năm trước. Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để đảm bảo thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước. Khi đăng ký trên hệ thống, thí sinh đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường mà không cần đăng ký nguyện vọng theo phương thức, tổ hợp xét tuyển và lưu ý, thời hạn đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng là 17 giờ ngày 30/7.
Cũng theo các chuyên gia, nhiều năm qua, hầu hết các cơ sở đào tạo lớn tuyển sinh hết chỉ tiêu ngay trong lần xét tuyển đợt 1 và không còn nhiều lựa chọn cho thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung. Bởi vậy, với những thí sinh chưa đăng ký xét tuyển, hãy đăng ký đúng thời hạn, đúng quy trình hướng dẫn để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho bản thân.