Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều thủ tục hành chính sẽ khó quản lý trang thiết bị y tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.

Các ý kiến đều thống nhất, trên thị trường có hàng ngàn loại trang thiết bị y tế, nhưng chỉ có khoảng 20 loại được kiểm tra, kiểm định hàng năm, còn các loại khác thì được quản lý như hàng hóa thông thường. Do đó, việc ban hành một văn bản quy định về quản lý trang thiết bị y tế để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết.
Xét nghiệm mẫu vật phẩm tại Viện Tim Hà Nội.  	Ảnh: Hải Linh
Xét nghiệm mẫu vật phẩm tại Viện Tim Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Tuy nhiên, với phạm vi “Nghị định này quy định việc quản lý trang thiết bị y tế bao gồm: sản xuất; đăng ký lưu hành; mua bán; dịch vụ trang thiết bị y tế; thử lâm sàng; thông tin, quảng cáo, nhãn trang thiết bị y tế; quản lý sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế và các điều kiện bảo đảm đối với công tác quản lý trang thiết bị y tế”, các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng quá rộng, cần thu gọn lại cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Hiến pháp ghi nhận quyền tự do kinh doanh nên Nghị định này chỉ nên ban hành điều kiện kinh doanh, mở rộng sẽ phá vỡ hết các luật, cản trở kinh doanh.

“Dự thảo Nghị định có 78 điều thì đến 45 điều quy định về các loại thủ tục hành chính. Tôi không biết với chừng ấy thủ tục rườm rà thì các sở y tế có đủ sức làm nổi không?” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề và nhấn mạnh mục đích ra Nghị định là để quản lý chất lượng trang thiết bị y tế vì liên quan đến khám chữa bệnh, điều trị, sức khỏe của người dân, nên nội dung quy định cần tập trung, tránh tình trạng gây thêm phiền hà về thủ tục hành chính mà cũng không quản lý được.

Đồng tình với đánh giá tình hình quản lý trang thiết bị y tế còn lỏng lẻo nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quy định như Dự thảo sẽ “gay go”. “Nhưng nếu các đồng chí định quy định như thế này thì sẽ dẫn đến tình trạng không sản xuất được, không nhập khẩu được, không lưu hành được. Quy định như thế này thì làm sao người ta cựa quậy được nữa. Cho nên cuối cùng buôn gian bán lậu ngày càng tăng mà thôi. Quản lý thì tưởng là rất chặt nhưng hàng lậu vẫn cứ về ngang nhiên” - Chủ tịch Quốc hội nhận định. Đồng thời băn khoăn, quy định như Dự thảo thì ngành y tế có đủ sức làm không? Thuốc đã bao chuyện rồi, bệnh viện, bác sĩ trở thành tiếp thị cho anh bán thuốc. Giờ làm trang thiết bị này thì phải đến Sở, Bộ hết thì có dẫn đến tiêu cực không? Các luật khác đã quy định mọi người tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm và kinh doanh trang thiết bị y tế là có điều kiện nên điều kiện gì phải quy định cụ thể để người dân làm đúng luật, thuận lợi. “Điều kiện gì thì ghi vào Nghị định, không phải đụng cái phải xin phép, nộp phí. Cuối cùng đổ lên đầu bệnh nhân hết” - Chủ tịch nhấn mạnh. UBTV Quốc hội yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị lại Dự thảo Nghị định này để trình tại phiên họp tới.