Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình thực thi Nghị định 107, Bộ đã ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá, phản ánh từ các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân xuất khẩu (XK) gạo.
Trong đó, về những hạn chế, bất cập trong thực thi Nghị định 107, Bộ Công Thương cho hay: Về điều kiện kinh doanh, tính đến ngày 25/11/2021, cả nước có 205 thương nhân đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo theo quy định tại Nghị định 107.
Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Hải quan thống kế cho thấy, có 39 thương nhân có trụ sở chính tại 16 tỉnh, thành phố không XK gạo kể từ tháng 12/2019 đến ngày 25/11/2021 (thuộc trường hợp xem xét thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 8, Nghị định 107).
“Như vậy, có thể nhận thấy trong thực tế, nhiều thương nhân được cấp giấy chứng nhận nhưng không có thị trường, không có khả năng, năng lực XK, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã không thể XK trong gần 2 năm” - Bộ Công Thương nhận định.
Bộ Công Thương đề xuất bổ sung tiêu chí kho chứa và công suất nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo (Ảnh: Giang Lam). |
Áp dụng lại quy định cũ?
Cũng theo Bộ Công Thương, Nghị định 107 hiện không quy định về sức chứa kho chuyên dùng để chứa lúa gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo. Điều này dẫn đến không có mức chuẩn tối thiểu đối với sơ sở của thương nhân kinh doanh XK gạo; dẫn đến sự không công bằng trong đầu tư tham gia thị trường của các thương nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Nghị định 109/2010/NĐ-CP (đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 107) đã từng quy định, thương nhân muốn kinh doanh XK gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn; có ít nhất một cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ...
Tuy nhiên, quy định này lúc bấy giờ đã từng bị các doanh nghiệp phản đối. Đây cũng là một trong những lý do ra đời Nghị định 107 để thay thế Nghị định 109...
Bộ Công Thương kiến nghị cần sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh XK gạo theo hướng quy định về sức chứa tối thiểu của kho chuyên dùng để chứa lúa gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo. Có thể cân nhắc việc quy định như Nghị định 109 trước đó để tận dụng nguồn lực xã hội, cơ sở vật chất đã được xây dựng khi thực thi Nghị định 109, tránh phát sinh thêm chi phí cho các thương nhân, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Theo Bộ Công Thương, đề xuất bổ sung hai tiêu chí “kho chứa và công suất nhà máy xay xát, chế biến” là nhằm mục tiêu chuẩn hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào để đảm bảo đồng bộ hóa về năng lực chế biến của ngành; tạo tiền đề thực hiện và đảm bảo duy trì tốt thương hiệu gạo quốc gia một cách thực tiễn; tạo cơ sở cho các thương nhân kinh doanh XK gạo sẵn sàng đáp ứng các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Đối với việc kiểm tra điều kiện kinh doanh XK gạo, theo Bộ Công Thương, trong quá trình thực thi Nghị định 107, việc hậu kiểm của nhiều Sở Công Thương đã bộc lộ nhiều hạn chế như: chậm tiến hành hậu kiểm do không xác định được Sở Công Thương tỉnh/thành phố nào chủ trì, do thương nhân kinh doanh XK gạo có thể kê khai kho chứa, cơ sở xay xát lúa gạo tại nhiều địa phương để được cấp giấy chứng nhận.
Việc duy trì điều kiện kinh doanh của các thương nhân còn chưa được quan tâm, đáp ứng, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật dây chuyền sản xuất, chế biến, thiết bị phòng hộ lao động, phòng cháy chữa cháy… nhưng chưa được Sở Công Thương các tỉnh kịp thời giám sát, báo cáo…