Nhiều tiềm năng và cơ hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT – Truyền thông Việt Nam (ICT Index) 2014, Hà Nội nằm trong Top 3 bảng xếp hạng chung (năm 2013 xếp thứ 4/63 tỉnh thành).

Lắp ráp thiết bị điện tử tại Công ty Hanel.  	Ảnh:  Huy Hùng
Lắp ráp thiết bị điện tử tại Công ty Hanel. Ảnh: Huy Hùng
Với lực lượng DN hùng hậu (gần 5.000 DN) ngành công nghiệp công nghệ thông tin đang mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế của TP. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi những chính sách, bước đi phù hợp với sự phát triển của thị trường.

Công nghiệp phần cứng còn… yếu
Tính đến hết năm 2014, Hà Nội thu hút hơn 400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, với tổng số vốn hơn 200 triệu USD. Trong đó, có 43 dự án đầu tư mới với tổng số vốn hơn 9 triệu USD. Nhật Bản là quốc gia có số dự án đầu tư cao nhất với 18 dự án, chiếm 41,8%, và Hàn Quốc có 5 dự án, chiếm 11,6%.

Tính đến nay, toàn TP Hà Nội có khoảng hơn 3.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử và dịch vụ. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư mạnh mẽ về tài chính và công nghệ nên đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp phần cứng như: Canon, Panasonic, Fujitsu… Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TT&TT, nhìn chung hoạt động chủ yếu của ngành công nghiệp phần cứng trên địa bàn TP vẫn là lắp ráp sản phẩm, phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp linh kiện từ nước ngoài trong khi công nghệ lõi, công nghệ hỗ trợ phát triển còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu. Đồng tình với nhận xét này, ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp phần cứng của Hà Nội tuy có kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhưng hiệu quả thấp và ảnh hưởng tới môi trường, khó cạnh tranh với các tỉnh, TP lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng... do các hãng điện tử lớn như Samsung, LG đã đầu tư xây dựng nhà máy rất lớn tại các địa phương này.

Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ năm 2014 tăng trưởng khá cao, khoảng 14,25%, doanh thu khoảng 830 triệu USD. Các DN phần mềm, nội dung số và dịch vụ phần lớn là DN nhỏ và vừa nên sức cạnh tranh còn thấp. Tuy nhiên, ngành này cũng đã hình thành một số “gương mặt” có tên tuổi, thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh cao trên thị trường như: FPT, Misa, Tinh Vân, PeaceSoft, VCCorp, Qsoft Việt Nam, Luvina... Báo cáo Sách Trắng về CNTT – Truyền thông năm 2014 của Bộ TT&TT đánh giá Hà Nội nằm trong nhóm 30 TP gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới.

Tuy nhiên về lâu dài, PGS.TS Nguyễn Ái Việt – Viện Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho rằng, Hà Nội vẫn phải đảm bảo phát triển cả lĩnh vực công nghiệp phần cứng. “Điện thoại di động, máy tính, máy ảnh... mua tại Mỹ có giá rẻ hơn ở Việt Nam từ 30 – 50%, thậm chí 60%. Nếu không phát triển phần cứng thì chúng ta sẽ luôn phải trả giá cao cho những sản phẩm điện tử như thế” – ông Việt nói.

Doanh nghiệp nội khó trúng thầu 
Đề nghị Sở TT&TT xây dựng đề án trao giải thưởng tôn vinh DN công nghệ thông tin trên địa bàn TP theo định kỳ.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Lê Hồng Sơn
TP đang triển khai vận hành tàu điện trên cao, đã thành lập Công ty vận hành tàu điện trên cao, DN có thể trực tiếp giới thiệu sản phẩm của mình với Công ty, hoặc Ban đường sắt đô thị. Từ nay đến năm 2020, Hà Nội có rất nhiều tuyến giao thông công cộng, nếu DN trong nước làm tốt thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức để các DN CNTT tham gia cung cấp dịch vụ công.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội
Ngô Văn Quý
Hà Nội cần công bố công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực CNTT của TP cho các DN, tạo môi trường thuận lợi cho không chỉ các khu công nghiệp tập trung mà cả các DN vừa và nhỏ.
Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam
Nguyễn Long
Hà Nội cần lập danh mục chi tiết các sản phẩm điện tử, CNTT ưu tiên sản xuất của TP. Danh mục này phải có tiềm năng trở thành sản phẩm chủ lực của TP, được hưởng chính sách hỗ trợ ưu đãi của TP.
Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam

Lưu Hoàng Long 

Hà Nội có gần 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, song trong số này, DN lớn, có tên tuổi chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Lý do được chính các DN chỉ ra đó là vì họ thiếu sự hỗ trợ thực sự từ cấp T.Ư đến địa phương. Riêng trong lĩnh vực thẻ điện tử, đại diện Công ty MK (Khu CNTT tập trung Cầu Giấy) cho biết, sản phẩm thẻ điện tử của MK đã tiếp cận được các thị trường nước ngoài, cũng đạt nhiều giải thưởng uy tín của Vinasa, nhưng cho đến nay, MK vẫn chưa thể tiếp cận được thị trường Hà Nội. Đại diện Công ty TNHH MTV Hanel cũng bức xúc: “Hanel đã và đang triển khai dịch vụ công, chính quyền điện tử tại nhiều tỉnh, thành như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, cơ quan thuế, Bộ Tư pháp... nhưng ngay tại Hà Nội, Hanel vẫn chưa thể triển khai được”.

Hay như trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng, ý kiến của các DN là TP cần ưu tiên giao cho DN Việt đảm nhiệm. “Chúng ta có phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tôi đề nghị hưởng ứng thêm “Người Việt ưu tiên dùng giải pháp của người Việt”. Các DN CNTT trong nước hiện nay đã rất phát triển và đủ sức đảm bảo hệ thống an toàn an ninh thông tin trong nước” - ông Việt nói. Việc này cần phải được bắt đầu từ chính các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, các dự án mua sắm công cần phải được “mở cửa” cho các DN CNTT trong nước tiếp cận, các cơ quan Nhà nước cũng không cần “ôm đồm” làm phần mềm, thay vào đó có thể thuê dịch vụ từ các DN CNTT...

Ông Lưu Hoàng Long – Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam thẳng thắn đề nghị: “Hà Nội cần thực hiện đúng Thông tư 01/2014/TT-BTTTT về ưu tiên sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa trong nước một cách mạnh mẽ”. Giải pháp mà đại diện Hiệp hội Điện tử Việt Nam đưa ra là TP phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm điện tử - CNTT do DN Hà Nội sản xuất, đặt hàng các DN CNTT sản xuất với số lượng đủ lớn để tạo thị trường ban đầu, thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất các sản phẩm điện tử - CNTT...

Muốn giúp doanh nghiệp phải thật lòng, cụ thể

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn tại Hội nghị gặp mặt DN CNTT mới đây. Cũng theo lãnh đạo TP Hà Nội, nếu DN cam kết làm được thẻ từ, triển khai tốt chính quyền điện tử... thì hãy giao cho DN làm, trước mắt làm thí điểm để đánh giá, nếu làm tốt sẽ nhân rộng. “Cải cách hành chính mà không sử dụng CNTT thì không thể thành công, không thể để lợi ích một nhóm nào đó mà trì hoãn việc này. Tuy việc này không dễ nhưng phải làm mới ra chuyện” – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Tới đây, TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành rà soát đã làm ra bao nhiêu phần mềm rồi mà bỏ phí, thời gian qua vì sở, ngành nào cũng làm phần mềm cho mình nhưng “ông chẳng bà chuộc”, không liên kết được với các cơ quan, đơn vị khác gây lãng phí. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn yêu cầu Sở TT&TT ghi nhận lại đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của DN và hiệp hội để tham mưu đề xuất TP hướng giải quyết, xử lý. Để chính sách không “trên trời” thì trước khi trình lên cấp trên cần hỏi ý kiến các DN, có cơ chế thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với DN để hoàn thiện, đưa chính sách đi vào cuộc sống.