Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận thành tựu kinh tế của Việt Nam: Tiền đề quan trọng ngay từ những tháng đầu năm

TS. Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, Việt Nam liên tiếp nhận tin vui về việc cải thiện thứ hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế. Đó là kết quả của việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử chất lượng cao tại Công ty TNHH 4P, Hưng Yên. Ảnh: Danh Lam

Liên tục tăng hạng

Ngày 18/3, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức 3 và nâng 2 bậc triển vọng, tức chuyển từ tiêu cực lên tích cực. Việt Nam tăng 4 bậc (từ thứ 83 lên 79) trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 (World Happinesss Report) là báo cáo thường niên do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc dựa 6 tiêu chí: GDP trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng. Việt Nam tăng 15 bậc so với năm 2020 về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) và là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free); Việt Nam tăng 3 bậc trong Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, được Brand Finance - Công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại London (Anh) công bố tại “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu”. Trước đó, Việt Nam cũng nhận được những đánh giá tích cực và cải thiện vị trí trong các xếp hạng quốc tế, như xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm 2018; tốp 10 quốc gia đáng sống nhất thế giới…

Cơ sở để các tổ chức, cơ quan quốc tế nâng điểm và thứ hạng trong các bảng đánh giá và tổng sắp toàn cầu cho Việt Nam là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Những cải cách chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam đang ngày càng trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn, hội nhập hơn; Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trung hạn đầy hứa hẹn, được bảo đảm bằng những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và nợ đầy thuyết phục và vững chắc, sức mạnh thể chế của Việt Nam đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách, quản lý nợ. Đồng thời, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng sau đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại đầy năng động.

Những điểm nhấn đầu năm 2021

Lòng tin và sự tín nhiệm quốc tế dành cho Việt Nam còn được củng cố bởi những kết quả tăng trưởng kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021, với những điểm nhấn nổi bật là: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; thị trường nội địa và xuất khẩu đều mở rộng. Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,29 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,64%.

Đặc biệt, Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn FDI thực hiện tăng so cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có mong muốn chuyển sang hoạt động tại thị trường Việt Nam, nhiều DN lập kế hoạch khởi nghiệp tại chính Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”. Và những kết quả đã đạt được và định hướng chỉ đạo các chính sách phát triển thích ứng hiệu quả với bối cảnh "bình thường mới" nêu trên là điểm tựa của lòng tin này.