Việc nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa là có thật
Tình trạng nhiều trạm xăng dầu đóng cửa ngưng hoạt động, hoặc chuyển sang hoạt động theo giờ khiến dư luận và người tiêu dùng hoang mang, nghi vấn, đặt vấn đề: “Có hay không các trạm xăng dầu cố tình găm hàng, chờ tăng giá”?
Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị cả ngày 5/10, trên nhiều trục đường chính tại các thành phố lớn của tỉnh Bình Dương cho thấy:, không chỉ nhiều trạm xăng dầu đóng cửa treo bảng ngưng hoạt động, hoặc hoạt động theo giờ mà còn có hiện tượng nhiều trạm xăng dầu đã tháo gỡ trụ bơm, giăng hàng rào xung quanh.
Trước hiện tượng trên nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc lo lắng. Nhiều người có thói quen đổ xăng theo ngày. Đúng lịch, đến các cửa hàng, trạm xăng thì bị đóng cửa, xe hết xăng phải dẫn bộ. Có người không kìm được bức xúc đã đưa hình ảnh cùng nhiều bình luận tiêu cực, nghi vấn lên mạng xã hội.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Ngọc Yến - Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH Thương mại Hồ Bửu - một trong những doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho hay: Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp Hồ Bửu có trên 10 cửa hàng xăng dầu nhưng đã có 5 cửa hàng phải tạm ngưng hoạt động do giấy tờ pháp lý hết thời hạn. Số còn lại phải điều chỉnh giảm giờ bán do mức chiết khấu quá thấp, càng bán càng lỗ.
“Dù tại các cửa hàng tạm ngưng hoạt động, chúng tôi đều có thông báo nêu rõ nguyên nhân, thời gian tạm ngưng và xin phép khách hàng, nhưng vẫn bị chỉ trích, nghi vấn, kể cả nhiều bình luận tiêu cực trên mạng xã hội. Thông qua báo chí, hy vọng quý khách hàng sẽ thấu hiểu và cảm thông cho chúng tôi” - bà Yến nói.
Cơ quan chức năng Bình Dương nói gì?
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết: Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 470 trạm xăng dầu hoạt động. Qua kiểm tra, có 60 trạm đã hết hạn theo giấy phép, 10 trạm nghỉ và chuyển đổi công năng hoạt động. Còn lại một số cửa hàng do hết xăng, còn dầu nên cũng ngưng hoạt động chờ cung ứng hàng.
Theo ông Đông, lực lượng quản lý thị trường tổ chức kiểm tra thường xuyên 24/24 đồng thời với việc tiếp nhận nguồn tin phản ánh qua đường dây nóng, khi phát hiện cửa hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường, ngưng hoạt động cơ quan chức năng sẽ tổ chức kiểm tra, đo bồn.
"Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa phát hiện tình trạng găm hàng, còn hàng mà ngưng bán. Trường hợp doanh nghiệp phải xin điều chỉnh thời gian hoạt động từ 24/24 giờ/ngày xuống còn từ 6 giờ sáng đến 20 giờ tối là có. Qua kiểm tra từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử phạt nhiều cửa hàng bán xăng dầu kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn với số tiền phát trên 1 tỷ đồng” - ông Đông xác nhận.
Cũng trong ngay 5/10, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương xác nhận: Trên địa bàn (tỉnh Bình Dương) có nhiều cửa hàng, trạm xăng dầu phải ngưng hoạt động hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh khác do hết thời hạn theo giấy phép; chẳng hạn như: Không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, không nằm trong quy hoạch... Còn lại, tất cả các cửa hàng xăng dầu nếu điều chỉnh giảm thời gian phục vụ đều phải có văn bản đề nghị và được Sở Công Thương chấp nhận bằng văn bản.
“Người dân phát hiện cửa hàng, trạm xăng dầu nào trên địa bàn tự ý ngưng hoạt động hoặc có dấu hiệu ghim hàng xin hãy thông báo cho chúng tôi để lực lượng chức năng kiểm tra, giải quyết và xử lý theo quy định. Vì nguồn cung luôn bảo đảm...” - ông Nguyễn Thanh Toàn khẳng định.