Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trường hợp không đủ điều kiện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ là thẩm định và công nhận bằng cấp.

KTĐT - Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ là thẩm định và công nhận bằng cấp. Tuy nhiên, bằng cấp của người Việt Nam do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, về nguyên tắc người ta không bị bắt buộc phải đến Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục để kiểm định và công nhận.

Qua thẩm định văn bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết rất nhiều trường hợp không đủ điều kiện. Lý do vì đây là bằng của những trường 'lởm khởm', hoặc chưa được phê duyệt chương trình liên kết.

Thông tin trên được ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng cho biết, khi trao đổi với PV xung quanh việc ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Yên Bái có bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh chỉ sau 6 tháng học tại ĐH Nam Thái Bình Dương (cơ sở tại Malaysia, theo lời ông Ngọc). 

- Ông có bình luận gì về việc học tiến sĩ chỉ mất có 6 tháng? Ở Việt Nam, đã có trường hợp nào tương tự được Cục khảo thí và kiểm định chất lượng công nhận?

- Không có nước nào quy định chương trình đào tạo tiến sĩ, công nhận bằng tiến sĩ với thời gian đào tạo trong 6 tháng. Về tấm bằng của ông Ngọc, chúng tôi không thể nói được điều gì vì chúng tôi không nhìn thấy tấm bằng và chưa nhìn thấy hồ sơ của ông ấy. Tuy nhiên, theo quy định, nếu đơn vị nơi ông Ngọc công tác có đơn xin thẩm định, kèm theo hồ sơ về bằng cấp đó, việc thẩm định sẽ rất đơn giản. Nếu có bằng chứng xác đáng về trường mà ông Ngọc theo học là trường vớ vẩn, lừa đảo thì tấm bằng đó chắc chắn không bao giờ được công nhận ở Việt Nam .

- Thưa ông, hiện nay có rất nhiều người đi du học tự túc. Vậy, việc công nhận bằng cấp đang được tiến hành theo quy trình nào?

- Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ là thẩm định và công nhận bằng cấp. Tuy nhiên, bằng cấp của người Việt Nam do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, về nguyên tắc người ta không bị bắt buộc phải đến Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục để kiểm định và công nhận. Nếu họ đi học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ về làm cho công ty tư nhân, thì công ty tư nhân cũng không quan tâm nhiều đến đó bằng gì, mà điều công ty cần là người có bằng làm việc có giỏi không. Chỉ khi cơ quan quản lý yêu cầu thì người ta mới đến thẩm định. Việc thẩm định được thực hiện theo quyết định 77/2007/QĐ - BGDĐT về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Kết quả thẩm định sẽ được thông báo trong vòng một tháng.

- Hiện, có khá nhiều cán bộ cơ quan nhà nước tham gia học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ qua mạng. Ông có khuyến cáo gì?

- Những người học chương trình liên kết nước ngoài và những người đi học lấy bằng ở nước ngoài cần phải quan tâm đến vấn đề chất lượng trường đó như thế nào. Dựa trên cơ sở này, trường đó phải được cơ quan tổ chức kiểm  định có uy tín kiểm định. Nếu không được kiểm định thì chúng tôi không công nhận, hoặc được kiểm định nhưng bởi cơ quan lởm khởm thì cũng không được. Đối với trong nước, phải kiểm tra xem chương trình liên kết có được cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam phê duyệt đề án xin mở chương trình đào tạo đó hay không. Nếu không được phê duyệt thì tấm bằng đó không được công nhận. Hiện nay, có thực tế rất nguy hiểm là một số người không hiểu nên cứ lao vào học, cuối cùng không đủ điều kiện để được thẩm định.

- Trung bình mỗi năm, Cục thẩm định khoảng bao nhiêu trường hợp? Tỷ lệ không đủ điều kiện để được công nhận có lớn không, thưa ông?

- Chúng tôi thẩm định cho rất nhiều người. Những người này, khi có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ  do nước ngoài cấp, các cơ quan nơi họ công tác đều hỏi đó là bằng gì về tất cả đều được yêu cầu thẩm định. Số lượng thẩm định rất nhiều, song cũng rất nhiều trường hợp không đủ điều kiện. Phần lớn trong số này rơi vào các trường hợp như học trường “lởm khởm”, hoặc là học chương trình liên kết chưa được phê duyệt.

- Xin cảm ơn ông!