Tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP đã thông báo những kết quả Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội. Theo đó, sau 3,5 ngày làm việc (từ ngày 3/7 đến 7/7/2023), Kỳ họp thứ 12 HĐND TP đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tại Kỳ họp, HĐND TP đã xem xét 21 báo cáo và biểu quyết thông qua 22 nghị quyết với tỷ lệ nhất trí cao; trong đó có nhiều cơ chế, chính sách để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của Thủ đô...
Tại cuộc tiếp xúc, các đại biểu HĐND TP Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Đường Hoài Nam, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên cũng đã báo cáo cụ thể những nội dung mà các cử tri quận Long Biên quan tâm như quy định về mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2022 – 2023; Công tác phân cấp, ủy quyền trên địa bàn TP, một số huyện chuẩn bị lên quận…
Theo đó, đại biểu Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, việc tăng học phí các cấp học đã được quy định rõ trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (ngày 27/8/2021) của Chính phủ. Nội dung Nghị định nêu rõ, từ năm học 2023 - 2024 các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn Hà Nội được chia thành ba khu vực là thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi. Nghị định số 81cũng quy định mức sàn học phí của học sinh các cấp học là 300.000 đồng/học sinh/tháng; mức trần học phí của học sinh mầm non, tiểu học là 540.000 đồng/học sinh/tháng; mức trần học phí của học sinh THCS, THPT là 650.000 đồng/học sinh/tháng thì nghị quyết mới ban hành của HĐND TP Hà Nội quy định mức thu học phí ở tất cả các cấp học ở khu vực thành thị năm học 2023 - 2024 đều là 300.000 đồng/học sinh/tháng, tức là mức thấp nhất trong khung quy định của Chính phủ. Với học sinh ở địa bàn nông thôn hoặc miền núi, mức học phí sẽ được áp dụng từ năm học mới là 100.000 đồng/học sinh/tháng, so với hiện nay là 95.000 đồng/học sinh/tháng…
Bên cạnh đó, công tác phân cấp, ủy quyền cũng đang được TP triển khai quyết liệt. Điều này cũng đều xuất phát từ những kiến nghị của cử tri. Được TP triển khai từ 1/1/2023, mặc dù đánh giá chung việc phân cấp, ủy quyền có những kết quả khả quan nhưng qua thực tế triển khai cũng bộc lộ một số hạn chế do năng lực, cách triển khai ở mỗi đơn vị, quận, huyện, xã, phường khác nhau. Những hạn chế này bên cạnh việc rà soát việc phân cấp nhằm đáp ứng khả năng, điều kiện của từng địa phương cũng cần tăng cường kiểm soát, đánh giá sâu sát, qua đó tiếp tục hoàn thiện, không có sự cào bằng trong công tác này.
Đối với nhóm vấn đề những dự án chậm triển khai, các đại biểu HĐND TP bên cạnh chỉ ra những nguyên nhân cụ thể cũng đặt yêu cầu UBND TP cần nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật hành chính, kịp thời xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né trách nhiệm thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát…
Tại cuộc tiếp xúc, đại biểu HĐND TP Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông tin Nghị quyết về thành lập quận Đông Anh và dự kiến tới đây sẽ xem xét việc huyện Gia Lâm lên quận, cùng với đó là nghị quyết về đặt tên đường phố trên địa bàn… Đây là những cơ hội mà Long Biên cần tận dụng để quản lý, khai thác, tạo các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của quận nói riêng và TP nói chung.