Đã bàn giao hơn 18,5km
Báo cáo Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) cao tốc đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị (gọi tắt Ban Chỉ đạo GPMB) cho biết, đến thời điểm hiện nay, Quảng Trị đã hoàn thành công tác bồi thường, chi trả tiền hỗ trợ GPMB được 24,15km trên 32,53km, đạt 74,2% toàn tuyến. Đồng thời, hoàn thành GPMB tuyến nhánh thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh) dài hơn 0,85km.
Kế hoạch vốn năm 2023, Quảng Trị được bố trí là 1.147 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 12/4/2023 đã giải ngân được 46,27 tỷ đồng, đạt 4,03%.
Các địa phương đã bàn giao được 18,54km/32,53km mặt bằng sạch cho Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh. Hiện vẫn còn 8,38km chưa bàn giao, trong đó có khoảng 6,5km liên quan đến các hộ dân vào khu tái định cư.
Có thể thấy, cùng với khối lượng công việc GPMB lớn thì số hộ bị ảnh hưởng phải tái định cư (TĐC) trên địa bàn Quảng Trị khá nhiều. Theo đó, có khoảng 477 hộ tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Trong đó, Cam Lộ với 220 hộ trong diện TĐC. Ngoài ra, còn có 15 công trình công cộng khác cũng cần phải di dời TĐC.
Để phục vụ cho công tác TĐC, tỉnh Quảng Trị đã dự kiến 11 vị trí với tổng diện tích khoảng 43,19ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới di dời được 15 hộ/477 hộ tại vị trí khởi công dự án.
Tại các địa phương, như huyện Vĩnh Linh đã hoàn thiện công tác quy hoạch các khu TĐC và đang thực hiện việc kiểm kê, áp giá lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình bị ảnh hưởng GPMB các khu TĐC. Đồng thời, đang triển khai thiết kế xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, tại huyện Cam Lộ đến giữa tháng 3/2023 đã bàn giao cọc GPMB các khu TĐC, triển khai qui chủ sử dụng đất… cũng như trình Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị thẩm định dự án 3/3 khu TĐC.
Riêng tại địa bàn huyện Gio Linh đã trình Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị thẩm định báo cáo kỹ thuật 4/4 khu TĐC. Tuy nhiên, tại khu TĐC Gio An, do đất của Tập đoàn cao su Việt Nam quản lý, hiện Tập đoàn chưa đồng ý để đo đạc thu hồi đất.
Cùng với đó, việc di dời hạ tầng kỹ thuật liên quan đến khu vực triển khai dự án đã được hoàn thành công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế di dời, thỏa thuận phương án kỹ thuật với chủ sở hữu công trình. Liên quan đến hệ thống đường dây điện cao thế, trung hạ thế và trạm biến áp đã trình Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thực hiện thẩm định.
Theo Ban Chỉ đạo GPMB, dự kiến trong tháng 4 thẩm định, phê duyệt hoàn thành và UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, triển khai đấu thầu xây lắp, trao hợp đồng vào cuối tháng 4/2023.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Đại diện Ban Chỉ đạo GPMB cho biết: Theo quy định về khung chính sách bồi thường hỗ trợ TĐC của dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đã được phê duyệt suất đầu tư khu TĐC là 350 triệu đồng/hộ, với tổng số hộ dự kiến là 197 hộ. Tổng chi phí dự kiến xây dựng khu TĐC trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 89,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi kiểm kê phục vụ công tác GPMB dự án, tổng số hộ cần bố trí TĐC là 477 hộ, vượt 290 hộ so với khung chính sách. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng chưa được thống kê trong chi phí GPMB của dự án như nhà văn hóa, trường mầm non.
Ban Chỉ đạo GPMB cũng cho biết, tham khảo theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành thì dự kiến Quảng Trị cần 391 tỷ đồng để thực hiện công tác TĐC, vượt khung chính sách 301,4 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ GTVT cho ý kiến hướng dẫn về chi phí xây dựng các khu TĐC dự kiến tăng hơn 3,36 lần so với chi phí dự kiến trong tổng mức đầu tư của dự án để có cơ sở thực hiện.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo GPMB cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể đối với mặt cắt ngang các tuyến đường trong khu TĐC để có cơ sở thực hiện việc đầu tư xây dựng khu TĐC. Bởi theo quy định sẽ không đảm bảo mặt cắt các tuyến đường hộ dân bị ảnh hưởng đang sinh sống và bề rộng lề đường 1,5m rất khó khăn bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các hộ dân. Chưa kể, đa số các hộ dân TĐC sinh sống tại những tuyến đường rộng (Quốc lộ 9, Quốc lộ 9D, đường Hồ Chí Minh). Nếu thực hiện theo quy định các tuyến đường nội bộ trong khu TĐC sẽ ảnh hưởng nhu cầu đi lại của người dân cũng như người dân khó đồng tình trong phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC nơi ở mới.
Một khó khăn, vướng mắc khác trong công tác GPMB, dù phần diện tích đất bị ảnh hưởng đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thống nhất và nhận tiền bồi thường. Tuy vậy, trình tự thủ tục thanh lý tài sản đối với phần cây cối ảnh hưởng phải tổ chức đấu thầu theo quy định nên thời gian kéo dài.
Ban Chỉ đạo GPMB đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương có chủ trương, chính sách hoặc hướng dẫn để đẩy nhanh trình tự thủ tục thanh lý đối với phần cây cối bị ảnh hưởng trên.