Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) giảm nhẹ theo xu hướng giao dịch của USD trên thị trường thế giới và cách thức điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Xu hướng này được dự báo sẽ duy trì từ nay đến cuối năm.

Tỷ giá giảm dần 

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 14/6 được NHNN công bố ở mức 23.099 VND/USD, tiếp tục giảm 2 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 23.125 đồng và bán ra ở mức 23.747 đồng.

VND được dự báo sẽ lên giá trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô ổn định, bộ đệm dự trữ ngoại hối tốhơn... Ảnh minh họa

Như vậy so với hồi đầu năm, tỷ giá trung tâm đã giảm 31 đồng/USD so với mức 23.131 VND/USD. Còn tỷ giá tham khảo mua vào Sở giao dịch NHNN giảm 50 đồng so với mức 23.175 đồng mua vào và 23.802 đồng bán ra. Trong khi giá mua bán USD tại các ngân hàng cũng giảm khá mạnh 260 đồng. Giá mua vào – bán ra ở mức  22.820 - 23.050 VND/USD (mua vào - bán ra) ngày 14/6  so với mức 23.080 VND (mua) và 23.230 VND (bán) ngày đầu năm. Đáng chú ý trong ngày 8/6, NHNN đã giảm tới 150 đồng/USD giá mua vào, đây là mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay khiến thị trường ngoại tệ bất ngờ.

Xu hướng giảm giá của USD tại thị trường Việt Nam được cho là cùng nhịp điệu với thị trường thế giới. Chỉ số DXY (đo sức mạnh USD) duy trì ở vùng thấp 89 - 90 điểm (đồng USD giảm giá) trong khi đó đồng CNY tăng giá mạnh kể từ cuối năm 2020 (+2,0% từ đầu năm đến nay).

Theo KB Securities, động thái của NHNN phần nào giải tỏa áp lực từ khía cạnh nhập khẩu lạm phát, nhập siêu. Tính chung 5 tháng đầu năm nhập siêu 369 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD. Việc giảm giá USD (VND lên giá so với USD) sẽ hỗ trợ cho các DN nhập khẩu, giúp giá hàng hóa được rẻ hơn phần nào kiểm soát được lạm phát trong thời gian tới. KB Securities cũng cho rằng, động thái trên cũng cho thấy nhu cầu mua ngoại tệ của NHNN nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối giảm. Việc hạ giá mua vào USD sẽ giúp các ngân hàng tư nhân chủ động hấp thụ nguồn ngoại tệ trước khi NHNN mua vào (thể hiện việc linh hoạt của nhà điều hành, tránh bơm tiền ồ ạt ra thị trường để mua vào USD).

Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn nằm trong danh sách theo dõi “thao túng tiền tệ” từ Mỹ, do vậy hành động của NHNN vừa có thể giúp giải tỏa áp lực lên VND (trong bối cảnh USD giảm giá), vừa tránh vi phạm tiêu chí thứ 3 (can thiệp ngoại hối ít nhất 6 tháng). Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trong năm 2021, NHNN có thể sẽ mua ít USD hơn so năm 2020 sao cho tổng số ngoại tệ mua vào không quá 2% GDP - ngưỡng mà Bộ Tài chính Mỹ đã đặt ra để xem xét các nước có thao túng tiền tệ hay không. 

Còn nhiều “dư địa”để điều hành tỷ giá

Chính sách điều hành của NHNN đang ngày càng linh hoạt, bám sát hơn với thị trường. Theo đó, tỷ giá USD/VND không còn đi một chiều, mà đã được rộng mở hơn, có thể tăng, có thể giảm trong biên độ phù hợp gắn liền với điều kiện thực tế và các mục tiêu vĩ mô của nhà điều hành. Quý I/2021, tỷ giá USD/VND được đánh giá là ổn định nhất thế giới. Hiện tại, đồng USD duy trì ở vùng giá thấp trên thị trường quốc tế, chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì ở mức cao, cung cầu ngoại tệ trong nước dồi dào… chính là dư địa khá lớn để NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục kinh tế nhanh nhất sau đại dịch nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt và nền tảng vĩ mô lạc quan. Dòng ngoại tệ chảy vào trong nước khá nhiều, từ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tích cực nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu, thặng dư thương mại, kiều hối… Mặt khác, USD dự báo sẽ không mạnh lên do các gói kích thích kinh tế quy mô lớn và chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Mỹ.

Theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, đến thời điểm này, các cân đối lớn của Việt Nam (nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại..) ở trạng thái tốt hơn so với giai đoạn trước, cùng với đà kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 5 năm qua, quan hệ cung cầu ngoại tệ khá ổn, thị trường vàng được kiểm soát tốt hơn, chính sách điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt, chủ động. Trạng thái này đã và đang giúp tỷ giá cơ bản ổn định.

Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam Đinh Đức Quang nhận định, 6 tháng cuối năm, vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam dựa vào sự hồi phục từ kinh tế toàn cầu, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các hiệp định thương mại đã ký kết và đặc biệt là sự bật dậy từ khó khăn của các DN đang sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu. “Dựa vào các phân tích tình hình vĩ mô trong và ngoài nước, chúng tôi đang có dự báo VND sẽ chỉ dao động từ 1 - 2% trong năm 2021 so với USD trong bối cảnh xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng và có thặng dư thương mại”, ông Đinh Đức Quang nhận định.

Nếu đồng USD tiếp tục xu hướng giảm giá trong năm 2021, các DN nhập khẩu sẽ được lợi. Với DN xuất khẩu, tỷ giá dường như không còn là yếu tố then chốt hỗ trợ, mà thay vào đó là các yếu tố liên quan đến sự mở rộng thị trường, đối tác và sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam (bao gồm cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa sản xuất, chi phí nhân công hợp lý…). TS Nguyễn Trí Hiếu