Tín hiệu tích cực
Trung tá Nguyễn Vĩnh Hà - Phó Trưởng Công an huyện Hoài Đức cho biết: Ngay từ khi triển khai, Ban Chỉ đạo đề án 06 huyện đã xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ. Tại các xã, thị trấn thành lập 20/20 Ban Chỉ đạo thực hiện đề án 06 cấp xã, thị trấn và 137 tổ công tác tại thôn, tổ dân phố, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Đồng thời, Công an huyện tập trung triển khai hướng dẫn các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trọng tâm là: Kế hoạch thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp và định danh điện tử cho công dân trên địa bàn huyện trong năm 2022.
Cùng với đó, xây dựng mô hình hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến tại các tòa chung cư, các thôn trên địa bàn xã An Khánh, Kim Chung và 100% điểm tiếp dân của lực lượng Công an xã, thị trấn. Đồng thời hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNelD, cách thức đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Đến ngày 30/3/2023, toàn huyện xây dựng 2 mô hình tại 3 đơn vị, gồm: Tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến tại xã An Khánh và Kim Chung; mô hình dân vận khéo xã Vân Côn; đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận, giải quyết yêu cầu thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, nhất là đối với dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền tiếp nhận giải quyết cấp huyện, xã.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận nhấn mạnh: Trong công tác số hóa, bước đầu ghi nhận việc Bộ phận một cửa các cấp thực hiện cập nhật kết quả giải quyết thủ tục hành chính lên phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp, đăng ký thường trú cho 5.314 trường hợp, đăng ký tạm trú cho 1.867 trường hợp, thông báo lưu trú cho 2.378 trường hợp.
Bên cạnh đó, còn đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy 794 trường hợp; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội) 23 trường hợp. Giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm mảng bảo hiểm xã hội 554 trường hợp; xét tặng danh hiệu khu dân cư văn hóa hàng năm 179 trường hợp.
Đồng thời, các đơn vị phối hợp triển khai ứng dụng các tính năng của chíp điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID trong lĩnh vực đời sống xã hội. Phối hợp xây dựng nền tảng kết nối ký số, hỗ trợ xác thực doanh nghiệp trong cung cấp chứng thư số cho các ứng dụng giao dịch điện tử, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cộng đồng trách nhiệm
Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trưởng Công an huyện Hoài Đức chia sẻ: Về công tác cấp thẻ căn cước công dân và định danh điện tử, hiện đã thu nhận tổng số 196.148/202.042 trường hợp (đạt 16,1%); cấp tài khoản định danh điện tử cho 132.176/201.348 trường hợp (đạt 65,7%), kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 được 11.918/58.916 (đạt 37,25%).
Ngoài ra, huyện cập nhật thông tin chứng minh Nhân dân 9 số, điều chỉnh thông tin hộ không có chủ, làm sạch dữ liệu bảo hiểm tại cụm công nghiệp... đạt 100%. Công an huyện đã thực hiện thu thập, nhập dữ liệu cho công dân trên địa bàn quản lý và cấp căn cước gắn chíp cho 100% công dân trên địa bàn trong độ tuổi quy định.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ khẳng định: Đề án 06 là khâu đột phá của chuyển đổi số quốc gia. Nếu thực hiện tốt đề án sẽ mang lại lợi ích lớn cho đất nước, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đóng góp chung cho công tác quản lý dữ liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, khi tiếp tục triển khai đề án, mỗi cán bộ, lãnh đạo các đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích, tầm quan trọng của đề án, từ đó biết và thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện tại các xã, thị trấn.
Trưởng phòng Tư pháp huyện Hoài Đức Lê Đức Phóng nêu một số hạn chế trong việc thực hiện Đề án 06, như: Một số người dân tuy đã được tuyên truyền lợi ích thiết thực của định danh và xác thực điện tử, các thủ tục hành chính tích hợp trên cổng dịch vụ công tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn còn e dè, nhất là với người lớn tuổi.
Mặt khác, việc tiếp cận với các ứng dụng công nghệ thông tin gặp nhiều hạn chế. Công tác tổ chức thực hiện của lực lượng, đơn vị liên quan hầu hết chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; trang thiết bị phục vụ công tác chưa đáp ứng được với yêu cầu.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là phát huy vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên tại các xã, thị trấn trong việc huy động sự vào cuộc của người dân. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Lãnh đạo xã, thị trấn trên địa bàn cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện Đề án 06 với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận kiến nghị Công an TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hiện đề án.