Thăng trầm với nhiều kỷ lục
Với giới đầu tư, TTCK 2018 là một năm “bùng nổ”, dòng tiền trên thị trường được cải thiện bằng những mã cổ phiếu có vốn hóa lớn, tăng giá khá đều đặn như: VIC, VHM, HPG, CTG, BID… Cùng với dòng vốn nội, còn có sự đóng góp không nhỏ của dòng vốn ngoại với giá trị mua ròng tăng đột biến lên mức 26.000 tỷ đồng.
Khép lại năm 2018 rực rỡ, TTCK trong năm 2019 mặc dù có sự sụt giảm về thanh khoản nhưng nhìn chung vẫn duy trì được đà tăng trưởng về dài hạn.
Bước sang năm 2020, năm đặc biệt nhất của TTCK Việt Nam khi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Từ mức đáy 650 điểm khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát tại Việt Nam (cuối tháng 3/2020), VN-Index tăng lên mạnh mẽ khi vượt qua mốc 1.000 điểm trong tháng cuối cùng của năm 2020, kết thúc một năm “có hậu” ngoài kỳ vọng của nhà đầu tư.
Theo đó, việc Chính phủ kiểm soát dịch bệnh thành công được xem là “đòn bẩy” chính giúp TTCK phục hồi nhanh chóng trong 9 tháng cuối năm 2020 với mức tăng trưởng gần 60% kể từ đáy và tăng hơn 9% so với cuối năm 2019.
Chỉ số VN-Index duy trì và liên tục tăng, thậm chí phá đỉnh đạt trên 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022. Đây là giai đoạn “vàng” của TTCK Việt Nam khi thanh khoản tăng liên tục theo từng phiên và dòng tiền nhàn rỗi ào ào chảy vào thị trường, nhà đầu tư hào hứng mua bán, đầu tư với sắc xanh tăng mạnh.
Tuy nhiên, ngày 15/11/2022, đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất 911,9 điểm, tương đương mức giảm 40,34%. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất thế giới.
Nhận định về nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới do nhiều yếu tố, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, sự sụt giảm của thị trường xuất phát từ những vi phạm pháp luật trên TTCK. Tin nóng về các vụ bắt Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết; cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng; Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan… khiến thị trường vốn rúng động, hàng trăm ngàn tỷ vốn hóa bị "thổi bay". Cùng với đó, nhà đầu tư và TTCK cũng bị thiệt hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thực tế là “băng dày một thước không phải do cái lạnh của một ngày”, bản chất TTCK lao dốc còn đến từ những nguyên nhân đã được tích lũy lâu dài, trong đó không thể không nhắc đến sự hưng phấn thái quá của TTCK suốt một thời gian dài.
Mang nặng tâm trạng thất vọng, TTCK bước vào năm 2023 với niềm tin bị lung lay mạnh. Có giai đoạn thăng hoa lên khu vực 1.250 điểm, nhưng ngay sau đó lại giảm rất mạnh, đưa chỉ số trở về vùng 1.020 điểm chỉ sau chưa đầy 2 tháng. Những biến động mạnh này đã khiến không ít nhà đầu tư mất hết thành quả chỉ sau vài tháng ngắn ngủi. Tuy nhiên, sang năm 2024, giới phân tích dự báo TTCK sẽ đi sát với bối cảnh vĩ mô và bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá.
Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường năm 2024
Các chuyên gia tài chính nhận định, nếu như năm 2023 là thị trường dành cho các nhà đầu cơ giao dịch ngắn hạn, thì năm 2024 sẽ là lúc nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu giá trị vào đầu năm và tìm kiếm lợi nhuận đột biến trong nửa cuối năm.
Theo Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển, trong 5 năm (từ 2018 – 2023), TTCK Việt Nam luôn đi chậm một bước so với TTCK thế giới. Điều này có nghĩa, TTCK nước ta đang rẻ và còn cơ hội tăng trong tương lại.
“Với những nhà đầu tư có vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng nếu không muốn gửi ngân hàng, thì đầu tư chứng khoán vẫn là kênh phù hợp. Tất nhiên, những tháng tới đây không phải là cơ hội cho nhà đầu tư muốn đánh nhanh thắng nhanh, vì thị trường trong ngắn hạn chưa có xu hướng tăng rõ ràng” – ông Hiển nói và nhấn mạnh, mức giá của nhiều cổ phiếu hiện thấp hơn so với năng lực của doanh nghiệp và lịch sử giá của chính nó. Đây là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn mua vào với mục tiêu trong vòng 6 tháng, có thể chạm mức lãi 15 - 20%.
“Dù giai đoạn khó khăn nhất của trái phiếu doanh nghiệp đã qua đi, nhưng lượng trái phiếu đáo hạn còn lớn và vẫn là dấu hỏi của thị trường, nên đây là rủi ro mà nhà đầu tư nhất định cần lưu ý” – ông Hiển nói thêm.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Dù ẩn số vẫn còn ở phía trước nhưng tôi tin rằng, trong năm 2024, nhiều câu chuyện hấp dẫn khác vẫn sẽ được viết tiếp trên TTCK.”
Cũng theo luật sư Thảo, các diễn biến mới trên thị trường tiền tệ đã làm giảm sự hưng phấn của dòng tiền vào TTCK, đây là tín hiệu tốt cho thị trường năm 2024. Ngoài ra, dư địa về chính sách tiền tệ nới lỏng và giá rẻ cũng sẽ hỗ trợ nền kinh tế, và chứng khoán là kênh đầu tư hưởng lợi trực tiếp. Từ đó, có cơ sở để kỳ vọng VN-Index năm 2024 tăng trưởng, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm, và đây cũng là điểm bắt đầu một chu kỳ lớn.
Hầu hết các chuyên gia tài chính đều cho rằng, bên cạnh siết chặt quản lý, nâng cao tính thượng tôn pháp luật để minh bạch thị trường, thì nâng hạng chính là mục tiêu TTCK cần phải ngắm tới, nhằm mở ra cơ hội thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn từ nước ngoài chảy vào TTCK Việt Nam.