Mục tiêu, ước thực hiện 2019, mục tiêu 2020 về những chỉ tiêu kinh tế chủ yếu (%). Dự báo dựa vào số liệu của Tổng cục Thống kê. Nguồn: Quốc hội |
Tăng trưởng GDP thay đổi mạnh về chất
Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt được nhiều sự vượt trội khi xem xét dưới các góc độ khác nhau. Mức tăng này cao hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội - là năm thứ 2 liên tục vượt mục tiêu, cũng nằm trong số năm không nhiều vượt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành: Nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản tuy tăng chậm lại so với năm trước (2,02% so với 3,76%), nhưng chủ yếu do chăn nuôi lợn gặp dịch tả châu Phi, còn lâm nghiệp, thủy sản tăng khá cao (tương ứng tăng trên 4% và tăng trên 6,1%); nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng cao (khoảng 9,5%), trong đó ngành khai khoáng nếu năm trước giảm thì năm nay đã tăng trên 2,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, là tiêu chí của nước công nghiệp - tăng rất cao (gần 11,5%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2 chữ số (10,7%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng khá (trên 8,4%). Nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 nhóm ngành, tăng tương đương với tốc độ chung, trong đó một số ngành dịch vụ động lực tăng cao hơn tốc độ tăng chung (như thương nghiệp, vận tải kho bãi, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ).
Cùng với đó, do các nhóm ngành tăng trưởng với tốc độ khác nhau, nên cơ cấu nhóm ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng của nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm (còn 13,2%), của công nghiệp - xây dựng tăng lên (trên 3,4%), của dịch vụ đạt cao nhất (trên 42,7%).
Với việc chất lượng tăng trưởng tiếp tục được giữ vững, có mặt cải thiện đã giúp hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) giảm xuống dưới 6 lần trong khi tốc độ tăng năng suất lao động khá cao (gần 6%). Tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng GDP của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đã vượt 45%- cao hơn các năm (2011 - 2015 là 33,58%, 2016 - 2018 là 43,29%).
Những cơ hội để thực hiện mục tiêu này có nhiều, trong đó thể hiện một số điểm chủ yếu. Thể chế tiếp tục được cải cách mạnh hơn, nhất là những điểm mới (nhất là tính thị trường tăng) vào năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm qua Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII. Môi trường khởi nghiệp, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện cho DN ra đời và phát triển. Lượng vốn đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tăng, với tỷ lệ/GDP thuộc loại cao là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định giữ vững tốc độ tăng trưởng, cộng với hiệu quả đầu tư và năng suất lao động tiếp tục được nâng cao sẽ làm cho tăng trưởng GDP đạt được về tốc độ và chất lượng. Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được đưa vào thực hiện trong thời gian qua và hứa hẹn đưa vào trong năm tới sẽ tạo điều kiện cho đầu tư, xuất khẩu…
CPI bình quân tăng dưới 4% - sự thận trọng cần thiết
Cùng với tăng trưởng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2019 đạt được sự vượt trội xét về 4 mặt: Không tăng cao như thời kỳ 2004 - 2013 (10,52%). Do tăng cao nên vừa tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, vừa làm cho mức tiêu dùng thực tế cải thiện chậm, vừa gây ra những bất ổn vĩ mô khác. Không tăng thấp như thời kỳ 2014 - 2016, tác động tiêu cực tăng trưởng kinh tế. CPI tăng thấp hơn lạm phát cơ bản, chủ yếu do giá thịt lợn, giá một số dịch vụ do Nhà nước định giá tăng cao hơn tốc độ tăng CPI bình quân.
Có thể thấy từ 2017 đến nay, tư duy “kiềm chế lạm phát” đã chuyển thành “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”. Tư duy này được đánh giá là thành công: vừa thấp hơn vài năm trước, vừa thấp hơn mục tiêu đề ra. Do vậy vừa góp phần làm cho GDP tăng cao, vừa góp phần cải thiện mức sống thực tế, vừa góp phần nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.
CPI tăng thấp do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân tổng quát là quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP, giữa cung và cầu đã được cải thiện. Xuất siêu đồng nghĩa với việc sản xuất GDP ở trong nước lớn hơn tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước; nhiều mặt hàng tiêu dùng cung đã vượt cầu do xuất khẩu giảm sâu (như gạo, cà phê, thủy sản, rau quả, hạt điều, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn,…). Khi sản xuất lớn hơn sử dụng, cung lớn hơn cầu thì quy luật tất yếu sẽ làm cho giá tiêu dùng giảm hoặc tăng chậm.
Nguyên nhân sâu xa, tiềm ẩn của lạm phát là chất lượng tăng trưởng, thì về mặt này năm nay đã có sự cải thiện (như đã nêu trên).
Nguyên nhân trực tiếp tác động và làm cho lạm phát bộc lộ ra là tài chính, tiền tệ, thì năm nay có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ so với dự toán năm và tốc độ tăng so với năm trước của tổng thu ngân sách cao hơn của tổng chi. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng thấp hơn định hướng; cơ cấu tín dụng tập trung hơn cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, nếu kể cả số bán cho VAMC chưa xử lý được đã giảm so với các năm trước.
Một nguyên nhân quan trọng là tâm lý kỳ vọng lạm phát đã giảm khi giá USD tăng thấp hơn định hướng; chênh lệch giá vàng trong nước đã giảm thiểu so với trước.
Một nguyên nhân quan trọng là việc quản lý, điều hành của Nhà nước đối với lạm phát. Trước hết là việc đề ra mục tiêu lạm phát hợp lý. Tiếp đến là việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu với nhiều giải pháp khá thận trọng, như điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quyết định; điều hành tỷ giá trung tâm; tăng dự trữ ngoại hối,…
Mục tiêu đề ra cho năm 2020 là CPI bình quân tăng dưới 4%, cao hơn thực tế 2019 là một sự thận trọng cần thiết.
Cơ hội đan xen những thách thức
Từ những kết quả đạt được trong năm 2019 đã mở ra những cơ hội cho năm 2020. Trong đó có một số cơ hội đáng lưu ý. Tăng trưởng GDP dự kiến vẫn ở mức khá. Giá hàng nhập khẩu sau các Hiệp định Thương mại tự do được giảm thuế suất sẽ rẻ hơn. Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ nhập siêu, sẽ góp phần làm tăng thị phần để đáp ứng nhu cầu tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng tăng lên. Dự trữ ngoại hối, kiều hối, xuất khẩu dịch vụ du lịch,… đạt kỷ lục mới. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, thỏa mãn với việc kiểm soát lạm phát, nhất là vào đầu năm tới (tháng 1, tháng 2/2020) do tiền thưởng cuối năm, Tết Nguyên đán đến sớm, mùa cưới hỏi, mùa lễ hội… Nhiều nước trên thế giới giảm lãi suất, thậm chí tung ra các gói kích thích kinh tế,… sẽ làm cho lạm phát tăng lên…
Bên cạnh nhiều cơ hội, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm tới cũng có không ít thách thức đan xen hoặc thách thức mới. Thách thức lớn nhất là khó khăn đối với nông nghiệp cả ở đầu vào và đầu ra, thường phải “giải cứu” cả khi “được mùa thì mất giá”, “được giá thì mất mùa”, nhiều người, nhiều vùng vẫn “lấy công làm lãi”. Công nghiệp khai khoáng có thể bị giảm trở lại, công nghiệp chế biến tăng, nhưng vẫn còn mang nặng tình trạng “gia công lắp ráp”, vừa làm cho thu nhập trong nước thấp, vừa làm gia tăng nhập khẩu. Tỷ trọng của từng ngành kinh tế thực (gồm Nông, lâm nghiệp - thủy sản và Công nghiệp - xây dựng) thấp hơn của nhóm ngành dịch vụ, nên tác động của những biến động từ bên ngoài đến Việt Nam mạnh hơn, rộng hơn.