Nhìn lại 5 năm qua, kể từ sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (01/2016) và Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2017), tổng thể quan hệ giữa hai Đảng, hai nước vẫn duy trì đà phát triển tích cực và để lại nhiều ấn tượng đậm nét. Trong đó, thành quả hợp tác kinh tế - thương mại ngày càng nở rộ, đưa hai nước ngày càng có vị trí quan trọng trong tổng thể quan hệ kinh tế đối ngoại của nhau.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 1/11 được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước.
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 vẫn tăng 24,6 %, đạt 165,9 tỷ USD - theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam. Kết quả này đã tạo đà cho thương mại Việt - Trung năm 2022 duy trì sự ổn định. Tính hết tháng 8/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 117,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, từ năm 2016 đến nay, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, trong khi Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 18 năm liên tiếp.
Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới... Theo Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Trung Quốc đã cắt giảm thuế đối với hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, bao gồm cả nông sản.
Ngoài ra, đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam cũng duy trì tốc độ tăng trưởng trong những năm qua. Tổng vốn lũy kế đến hết năm 2021 đạt 21,3 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với mức 10,5 tỷ USD cuối năm 2016. Nếu như vào các năm 2019 và 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam, thì đến năm 2021 trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, tăng 7 bậc so với năm 2015.
Đáng chú ý, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đang chuyển dịch đầu tư, sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng các ưu đãi trong khuôn khổ RCEP là nhân tố góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển bền vững.
Tại kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra ngày 25/10 mới đây giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Phi khẳng định, Bộ Thương mại Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam, đồng thời đánh giá cao những thành quả hai bên đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã đề xuất một số phương hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quy mô thương mại song phương như khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng tại Trung Quốc, như Hội chợ triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN, tăng cường hợp tác đảm bảo thuận lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới...
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên tích cực phối hợp để đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng. Thủ tướng cũng đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; tích cực trao đổi, giải quyết vấn đề tồn đọng tại một số dự án hợp tác giữa hai nước; sớm mở thêm các chuyến bay thương mại giữa hai nước; nâng tầm hợp tác, ứng phó có hiệu quả với các thách thức mới nổi.