Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhìn lại năm 2023: Sôi động với những dấu ấn ngoại giao kinh tế mới

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Việc chúng ta nâng cấp quan hệ với các nước trong năm qua đã tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp Việt Nam," Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn báo chí cuối năm.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Năm 2023 đánh dấu hoạt động đối ngoại sôi động và nhiều dấu ấn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Xin Bộ trưởng cho biết những dấu ấn đối ngoại và ngoại giao nổi bật, có ý nghĩa nhất trong năm qua? Những yếu tố dẫn tới thành công của đối ngoại năm 2023 là gì?

Năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật. Trước hết, quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, APEC, AIPA, COP 28, BRI… Chúng ta tiếp tục huy vai trò tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO, v.v… 

Trước diễn biến rất phức tạp của tình hình quốc tế, ngành ngoại giao cùng với các ngành, các cấp tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ thông qua nhiều đề án quan trọng về đối ngoại, nhất là đề án phát triển quan hệ với một số đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, tiểu vùng Mê Công, chủ trương ứng xử với các sáng kiến của các nước, v.v…

Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Môi trường hòa bình, ổn định tiếp tục được giữ vững để phát triển đất nước. Trước những biến động của tình hình quốc tế, ngành ngoại giao cùng quốc phòng, an ninh và các ngành, các cấp kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, xử lý đúng đắn và kịp thời các hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Các lĩnh vực thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, có thêm 2 thành phố là Đạt Lạt và Hội an được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO; được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO như Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027... Chúng ta đã bảo hộ kịp thời, đưa về nước an toàn nhiều công dân, nhất là từ các địa bàn có xung đột, thiên tai.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, xin Bộ trưởng cho biết phương hướng trọng tâm, định hướng của ngoại giao Việt Nam trong năm 2024 là gì sẽ được triển khai như thế nào?

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những năm tới, tính chất bất ổn và bất định của tình hình quốc tế sẽ còn tiếp diễn, có thể xuất hiện những nhân tố mới, phức tạp hơn. 

Trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", ngành ngoại giao tập trung một số trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy về đối ngoại. Với thế và lực mới của nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay, cần mạnh dạn vượt ra khỏi tư duy lối mòn, tìm cách làm mới vì lợi ích quốc gia- dân tộc.

Thứ hai, phát huy vai trò tiên phong, đồng thời phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các binh chủng đối ngoại và ngoại giao nhằm củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động tốt các nguồn lực mới từ bên ngoài cho phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. 

Thứ ba, tập trung tạo bước chuyển mới về xây dựng và phát triển ngành ngoại giao vững mạnh, toàn diên, hiện đại. Trong đó, trọng tâm tổ chức thực hiện tốt các đề án, kế hoạch về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ; từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, cơ chế chính sách cho công tác đối ngoại; tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, v.v...

Ngoại giao cây tre đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Tuy nhiên, tại hội nghị Đối ngoại lần thứ nhất vào năm 2021, cũng là năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát một cách rất đậm nét về trường phái Ngoại giao cây tre. Xin Bộ trưởng phân tích về ý nghĩa của trường phái ngoại giao này và tầm quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, đồng chí Tổng Bí thư lần đầu tiên đề cập đến ngoại giao “cây tre Việt Nam”, và đến Hội nghị Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vào tháng 12/2021, đồng chí Tổng Bí thư đã khái quát nội hàm cơ bản của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Hình tượng “cây tre Việt Nam” đã phản ánh sinh động, nhưng rất giản dị, dễ hiểu về những nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng ta cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, đó là gốc vững là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc, là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời… Thân chắc là phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nhân tố căn bản, sống còn; là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật…Cành uyển chuyển là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết thoái”, “biến dừng, biết biến”…

Xin Bộ trưởng cho biết các kết quả, đóng góp chính của ngoại giao kinh tế cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong năm 2023? Các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Ngoại giao của năm 2024?

Trước hết, các ngoại giao kinh tế được triển khai rộng khắp trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và các lĩnh vực khác của ngoại giao

Việc chúng ta nâng cấp quan hệ với các nước trong năm qua đã tạo đột phá trong hợp tác kinh tế với nước này, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế đã chủ động, tích cực và hiệu quả hơn. Bên cạnh thực hiện hiệu quả các FTA đã ký, năm 2023, chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương và hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp... Kết quả là,  các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu tăng 6-7%, thu hút đầu tư FDI trên 28 tỷ USD v.v...

Bước vào năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục tranh thủ tốt thế và lực mới của đất nước, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả, nhất là về mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn vốn mới cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, thu hút du lịch, xuất khẩu lao động có tay nghề, v.v...