Nếu như triển lãm “Linh vật Việt Nam” giúp người xem thấy được hình dáng và sự chuyển tiếp của linh vật Việt qua các thời kỳ, thì tọa đàm “Linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống” diễn ra sáng 22/12 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia được coi là một mở đề để người xem biết giá trị thực của linh vật, tránh những nhìn nhận mang tính võ đoán hay mê tín.
Với nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, GS Trần Lâm Biền khẳng định, không ít người chưa nhìn nhận đúng và đủ về ý nghĩa và giá trị của linh vật qua các thời kỳ. Không phải ngẫu nhiên ông đặt ra câu hỏi dí dỏm: “Tại sao người Việt lại nhận mình là con rồng cháu
tiên?”, để rồi tự trả lời: Bởi hình tượng này đã được gán cho những giá trị thiêng liêng, biểu tượng cho hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, không nhiều người giải thích đầy đủ vì họ “chỉ nhìn vào “hình”chứ không nhìn vào “thể”.
Diễn giải của GS Trần Lâm Biền cho thấy một bức tranh toàn cảnh về ý nghĩa các linh vật phổ biến như rồng, phượng, lân, rùa, hổ, cá chép, voi, ngựa, hươu… chứa đựng nhiều câu chuyện về những giá trị nhân văn và mong muốn của ông cha. Điển hình như con rồng thể hiện mong muốn sức mạnh hay được mùa. Và khi ước vọng về một sức mạnh của vũ trụ, cái mẫu mực về những điều tốt đẹp thì người xưa nghĩ đến phượng. Bởi phượng được coi là linh vật có thể chở được cả bầu trời chuyển động và nó tượng trưng cho bầu trời. Con lân cũng tương tự như vậy và có các ý nghĩa riêng. Con rùa là linh vật gắn với âm dương đối đãi, gắn với sự tồn tại và sự phát triển…
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là đã hơn một năm sau Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8/8/2014 của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, bộ mặt di tích lịch sử văn hóa, đường phố, nhà dân, lăng mộ trước bị chiếm lĩnh bởi các hiện vật, sản phẩm văn hóa ngoại lai nay đã được cải thiện? Thực tế là vẫn còn nhiều người có quan niệm chưa đúng về ý nghĩa linh vật, nên dùng các hình tượng ấy sai mục đích hoặc chưa đúng vị trí. Chia sẻ về vấn đề này, GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh, nếu không đưa trí tuệ vào đây thì các con vật ngoại lai này vẫn luôn tồn tại. Đồng thời khẳng định: “Nếu không nghiêm túc tìm hiểu, chúng ta cứ rơi vào trong vòng bẫy của các huyền thoại mà không tìm được bản chất sự việc và sẽ trượt dài trên bánh xe của mê tín dị đoan”.
Tuy nhiên, đúng như các chuyên gia nói, chuyện tháo gỡ cách nhìn nhận cho công chúng không thể nằm ở một buổi tọa đàm, mà còn nằm ở sự giáo dục thường xuyên. Trách nhiệm ấy không chỉ dừng lại ở các nhà nghiên cứu, mà phải được mở rộng hơn ở sự tuyên truyền tích cực trên nền tảng lấy trí tuệ làm trọng.
Kinhtedothi - Một số hiện vật trưng bày tại triển lãm “Linh vật Việt Nam” cuối tháng 10 vừa qua tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Phạm Hùng |
Triển lãm “Linh vật Việt Nam” đang diễn ra (28/10/2015 đến hết tháng 2/2016) được cho là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, diễn tả trọn vẹn chặng đường lịch sử của linh vật Việt từ thời cổ đại đến triều Nguyễn. |