Nhìn nhận đúng thực tế để nâng cao chất lượng xe buýt

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội đánh giá 99,9% số lượt xe buýt đạt chất lượng 5 sao. Nhiều hành khách và chuyên gia cho rằng, kết quả này chưa sát với thực tế, cần những đánh giá khách quan mới có thể rút ra kinh nghiệm để nâng cao chất lượng xe buýt.

Gần 100% xe buýt 5 sao

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022.

Cụ thể, tại Văn bản số 294 ngày 28/3 của Trung tâm Quản lý giao thông công công TP Hà Nội gửi cho các đơn vị cung cấp dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội nêu rõ, về đánh giá chất lượng dịch vụ chuyến lượt có xấp xỉ 6 triệu lượt xe được đánh giá. Trong đó, có 5,985 triệu lượt xe được chấm 5 sao, chiếm tỷ lệ 99,91%; có 4.682 lượt xe được đánh giá 4 sao, chiếm tỷ lệ 0,1%; 134 lượt xe chấm 3 sao, chiếm tỷ lệ 0,002%; chỉ có 2 lượt xe bị chấm điểm 2 sao và 300 lượt xe bị chấm 1 sao, chiếm tỷ lệ 0,005%.

Về đánh giá chất lượng dịch vụ tuyến buýt có tổng số 153 tuyến và nhánh tuyến. Trong đó, 38 tuyến và nhánh chuyến đạt 5 sao, chiếm 24,48%; 104 tuyến và nhánh tuyến chiếm 67,3% đạt 4 sao; 11 tuyến và nhánh tuyến đạt 3 sao, chiếm tỷ lệ 7,84%, không có tuyến và nhánh tuyến bị đánh giá 2 sao và 1 sao.

Nhìn nhận đúng thực tế để nâng cao chất lượng xe buýt - Ảnh 1
 Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022.

Kết quả gần 100% lượt xe buýt trên địa bàn Hà Nội được chấm điểm 5 sao này đang gây bất ngờ cho nhiều hành khách. Đặc biệt là hành khách di chuyển bằng các tuyến xe buýt đi các huyện ngoại thành.

Đánh giá chưa thực tế

Phần lớn hành khách đều cho rằng, mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội có độ phủ tốt, từ nông thôn đến các quận đô thị trung tâm, tần suất cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng, chất lượng phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ xe buýt thì không thể đạt 99,9% là 5 sao, đây là con số ảo, không sát thực tiễn.

Anh Phạm Tuấn Anh, sinh viên trường đại học Giao thông vận tải cho biết: “Tôi sử dụng xe buýt để di chuyển từ nhà ở Hà Đông đến Cầu Giấy đi học. Phương tiện di chuyển chủ yếu hàng ngày cũng là xe buýt nên hầu hết các tuyến buýt chạy dọc ngang TP Hà Nội tôi đều đã trải nghiệm qua. Thực tế, chất lượng phục vụ của lái xe và phụ xe thì không mấy thân thiện, phương tiện thì chưa thực sự tốt. Chưa kể lái xe buýt thường xuyên phóng nhanh, phanh gấp, lạng lách”.

Theo anh Phạm Tuấn Anh, thời gian chuyến đi của hầu hết các lượt xe buýt đều bị kéo dài, nhất là vào khung giờ cao điểm hoặc qua các cung đường chật hẹp bị rào chắn.

Chị Nguyễn Thị Mai Anh trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tôi đi làm hàng ngày bằng xe buýt. Chất lượng như hiện tại mà gần 100% đạt 5 sao là điều không thể. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp xe buýt còn không nhìn thẳng vào sự thực, đánh giá kiểu ảo như vậy thì khó có thể cải thiện được chất lượng dịch vụ xe buýt”.

Chị Mai Anh cho rằng, thực trạng xe buýt Hà Nội hiện nay còn yếu kém từ chất lượng xe đến thời gian di chuyển và thái độ chuyên nghiệp của lái xe, phụ xe. So với trước đây, chất lượng xe buýt cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng xe buýt chậm chuyến, đánh võng, chèn ép phương tiện trên đường còn khá phổ biến. Nhiều xe buýt cũng đã xuống cấp cần phải thay thế.

Phục vụ yếu, kém về chuyên môn và ý thức chuyến đi kéo dài cũng đã được chính Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội thừa nhận là nguyên nhân chính khiến người dân ngày càng có xu hướng xa rời xe buýt, sản lượng vận chuyển khách liên tục giảm thời gian qua.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng đã thẳng thắn chỉ ra, chất lượng phục vụ xe buýt hiện đang có vấn đề. Theo ông Thường, sản lượng xe buýt Hà Nội đang suy giảm một cách nghiêm trọng.

Trao đổi với PV Giaothonghanoi, chuyên gia giao thông đô thị, Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho biết: “Không thể phủ nhận vai trò của xe buýt trong vận tải khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Nhiều năm qua, TP Hà Nội cũng rất quan tâm cho hoạt động xe buýt thông qua trợ giá. Các doanh nghiệp cũng quan tâm đầu tư nâng cấp xe mới, mở rộng mạng lưới, mở thêm nhiều tuyến, nhánh tuyến mới để người dân tiếp cận dễ hơn. Dù vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn vào, chất lượng xe buýt Hà Nội chưa tốt, kém hấp dẫn trong mắt người dân”.

Theo Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh, từ chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ trên xe, đến chất lượng chuyến đi vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện. Do vậy, kết quả đánh giá đến 99,9% số lượt xe buýt Hà Nội đạt 5 sao là không đúng so với chất lượng hiện tại”.