Tuy nhiên, ở Việt Nam căn bệnh này dường như còn ít người biết đến hoặc không để ý, khiến trẻ chưa được quan tâm và can thiệp kịp thời.
Do nhiều nguyên nhân
Theo nhiều tác giả, nguyên nhân của chứng tăng động giảm chú ý là do tổn thương não (mẹ hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất độc hại, hoặc uống rượu khi mang thai, bất thường cấu trúc não, nhiễm độc chì, sang chấn sản khoa, đẻ ngạt, đẻ non, vàng da, bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm độc não sau sinh…). Ngoài ra, có thể do yếu tố di truyền, yếu tố môi trường sống bất lợi như stress trong gia đình, bố mẹ mải mê làm việc, cách chăm sóc, giáo dục trẻ không đúng cách, trẻ bị cô lập xã hội. Hay do nhân cách của trẻ, các khó khăn trong học tập, thiếu hụt kỹ năng sống…
Nhiều phụ huynh khi thấy con mình có những dấu hiệu như ngỗ nghịch, hiếu động quá mức cũng cảm thấy lo lắng nhưng lại không chắc chắn con có mắc bệnh hay không. Thậm chí, không ít phụ huynh cho rằng con mình hiếu động là thông minh, một số lại nghĩ con bị bệnh tự kỷ. Vì quan niệm không đúng nên không ít trường hợp chẩn đoán muộn, cha mẹ không hợp tác điều trị. Chẩn đoán tự kỷ hay rối loạn tăng động giảm chú ý là một chẩn đoán rất khó và cần được làm hết sức cẩn thận. Ở nhiều nước, chỉ có những người làm chuyên khoa được phép đưa ra chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý hay tự kỷ.
Một học sinh "cá biệt" trong lớp không chú ý nghe giảng, hay nói chuyện riêng và làm phiền mọi người xung quanh là do bị hội chứng tăng động giảm chú ý hay chỉ đơn thuần là nghịch ngợm? Đây là thắc mắc của rất nhiều phụ huynh và các thầy cô giáo. Trẻ hiếu động thì các hành động nghịch ngợm sẽ không liên tục và thường có chủ tâm, còn các bé bị tăng động giảm chú ý thường không điều chỉnh được hành vi và điều này ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống. Trẻ có biểu hiện vận động tăng bất thường đi kèm với phản ứng hung hăng và khả năng chú ý giảm gây trở ngại cho việc học tập. Trẻ không có khả năng tự chủ, do đó không thể tự lập kế hoạch, tổ chức cũng như hoàn thành những hoạt động phức tạp. Kết quả học tập của trẻ không tốt mặc dù IQ khá cao.
Cần can thiệp kịp thời
Theo thống kê, cứ 100 trẻ thì có khoảng 3 - 7 trẻ bị chứng tăng động giảm chú ý và đa số khởi phát trước 7 tuổi, lứa tuổi được phát hiện nhiều nhất là 8 - 11 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Căn bệnh này nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời lâu dài trẻ có thể bị những rối loạn hành vi, tình cảm và nhân cách sau này.
Tuy thường quậy phá, dễ nổi nóng làm phiền lòng thầy cô và cha mẹ, nhưng các trẻ bị tăng động giảm chú ý lại rất cần sự quan tâm và chung tay của cả nhà trường và gia đình trong việc chữa trị. Nếu để muộn (đến tuổi vị thành niên), vấn đề sẽ trở nên rất khó khăn do trẻ học tập kém, rối loạn các mối quan hệ, kém tự tin, mặc cảm hoặc nhiễm các thói hư tật xấu, có hành vi chống đối xã hội. Trên 30% trẻ bị tăng động giảm chú ý tiếp tục trải qua rối loạn này ở thời kỳ trưởng thành, có nhiều khó khăn về nghề nghiệp, giảm hiệu quả lao động, dễ bị kích thích và gây hấn, tính tình ngang bướng, cục cằn, lập dị... Do vậy, việc phát hiện, điều trị và can thiệp sớm rối loạn tăng động giảm chú ý là rất cần thiết.
Khi tiến hành can thiệp, trước tiên, các bậc cha mẹ cần cố gắng giúp trẻ kiểm soát và điều chỉnh hành vi của mình và cùng các giáo viên giúp đỡ các cháu trong việc học tập ở trường. Chỉ trong các trường hợp nặng mới nên dùng các loại thuốc. Tăng động giảm chú ý là một hội chứng bệnh lý, tùy từng trường hợp mà việc điều trị có thể kết hợp thuốc với các liệu pháp tâm lý. Khi phát hiện các dấu hiệu trẻ tăng động, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến với các nhà chuyên môn càng sớm càng tốt, điều này giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện tình hình của trẻ.
Khám bệnh cho trẻ nhỏ.
|