Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhìn nhận khách quan về xâm hại tình dục

Trung Anh - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức xúc và phẫn nộ là tâm trạng chung của nhiều người về nạn ấu dâm được dư luận lên tiếng trong những ngày qua.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những vụ xâm hại tình dục trẻ em vừa qua mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trong khi kỹ năng dạy trẻ vừa thiếu, yếu. Đặc biệt, vấn đề văn hóa là rào cản khiến nhiều vụ việc chưa được còn chìm khuất trong im lặng.
Rào cản văn hóa
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra hàng loạt vụ xâm hại trẻ em. Từ vụ bắt giữ Minh béo tại Mỹ đến vụ ấu dâm có nguy cơ bị chìm xuồng ở Vũng Tàu; tiếp đến là vụ ấu dâm ở một ngõ nhỏ giữa Hà Nội, vụ bé lớp 1 nghi bị xâm hại tại trường học... Hồi chuông báo động không chỉ kêu vang mà còn gióng giả trong xã hội.

Cha mẹ cần hướng dẫn, dạy trẻ tìm hiểu thêm về kỹ năng sống, giáo dục giới tính qua sách, truyện.. Ảnh: Thu Anh

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, giáo dục mới dừng lại ở các lớp liên quan đến Sinh học đơn thuần, còn về giới tính chuyên sâu và tình dục an toàn, đang khuyết hẳn trong trường học. Giáo viên không thể giảng dạy được bởi không được đào tạo bài bản, chính quy về kỹ năng giảng dạy; không có tiết học sâu chuyên về kỹ năng sống, trong khi giáo trình thiếu... Chia sẻ vấn đề này, bà Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Giáo dục & Trí tuệ Việt (IEDV) cho rằng, để tháo gỡ vấn đề trên còn gặp nhất nhiều rào cản. Về phía nhà trường, giáo viên bị ảnh hưởng tâm lý Á Đông, ngại ngùng, lúng túng về phương pháp, kỹ năng khi giảng dạy cho trẻ. Giáo dục về giới tính, vẫn là “vùng cấm” mà mọi người ngại chia sẻ. Bà Lan Anh cho biết, nhiều giáo viên các vùng miền tâm sự, không dám dạy cho cả lớp, mà tách riêng nam một lớp, nữ một lớp, vì lo không khống chế HS, kỹ năng chưa đủ dầy để dạy HS. “Dạy tách riêng như vậy, HS nam không hiểu HS nữ thế nào, ngược lại. Với cách dạy này không mang lại hiệu quả” – bà Lan Anh khẳng định.
Thực tế hiện nay, chương trình dạy trong nhà trường không liền mạch, học rời rạc. Cấu tạo sinh học cơ thể, HS không biết tại sao lại vỡ tiếng... Về phía phụ huynh, chưa đủ kiến thức để trang bị cho con vì bản thân bố mẹ cũng thiếu kiến thức về giáo dục giới tính, cộng với văn hóa Á Đông là rào cản vô cùng lớn. “Dù có những khóa học kỹ năng giáo dục giới tính, nhưng bố mẹ không muốn cho con học vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”... dẫn đến nhiều vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ. Khi có nguy cơ xâm hại, bị xâm hại con không dám chia sẻ, đó là thất bại của giáo dục gia đình” – bà Lan Anh khẳng định.
Im lặng là đồng phạm
Thực tế có không ít gia đình cho rằng khi con bị xâm hại tình dục thì nên im lặng để tránh điều tiếng, chấp nhận tiền đền bù của thủ phạm và bỏ qua mọi việc thay vì đưa sự việc ra trước pháp luật để bảo vệ con mình. Theo các chuyên gia, chính thái độ che giấu của cha mẹ sẽ khiến con vô cùng thất vọng, thấy mình đơn độc và rơi vào sự hoảng sợ, mất lòng tin ở người thân, cha mẹ ruột của mình.
Bà Lan Anh cho biết, đã từng biết và chứng kiến nhiều câu chuyện liên quan đến xâm hại tình dục: Một HS lớp 5 bị bác rể xâm hại. Trong lúc dạy học bác có những hành động sờ mặt, mông, đùi và bộ phận sinh dục... Sau đó, cha mẹ HS này nghe con kể nhưng đã không dám tố cáo vì sợ mất mặt, xấu hổ với họ hàng, làng xóm. Hay một HS khác cũng bị xâm hại nhưng không dám tố cáo do lo sợ xấu hổ. Còn tại một trường liên cấp ở TP Hồ Chí Minh, có 4 HS lớp 7 dụ dỗ 1 HS lớp 4 đưa ra chỗ vắng sờ soạng... trường hợp này cũng không bị xử lý. Trường hợp khác, 1 HS lớp 8 bị xâm hại có thai 28 tháng, sau đó gia đình tố cáo... và thầy giáo này bị xử lý và cho nghỉ dạy. Qua trường hợp này cho thấy, nếu cha mẹ, gia đình mạnh dạn tố cáo đã ngăn chặn được hành vi tương tự.
Có thể thấy, những vụ xâm hại tình dục được đưa ra là sự dũng cảm của bố mẹ, hoặc gia đình phải có thế lực, còn lại đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” chỉ thỏa thuận, nhận tiền mà không dám nói ra bên ngoài. Như trường hợp của HS lớp 5 bị chính bác rể xâm hại, nhưng gia đình sợ ảnh hưởng tới con nên chỉ họp nội bộ gia đình. Như vậy, chỉ hạn chế được phần nhỏ, trong khi đối tượng vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật, nguy cơ sẽ là không giới hạn. “Sơ qua một số vụ trên về nạn xâm hại tình dục, đấy mới chỉ là phần mỏng trên tảng băng chìm, làm sao phá tảng băng này? Trước hết, chúng ta phải thấy tầm nguy hại của sự im lặng. Im lặng sẽ là tiếp tay cho kẻ ác, là đồng phạm. Nếu chúng ta tiếp tục im lặng thì tảng băng sẽ ngày càng dày không thể phá được” – bà Lan Anh nhấn mạnh.
Phá suy nghĩ hạn hẹp
Nhiều ý kiến cho rằng, khi bị xâm hại tình dục, người bị xâm hại và gia đình cần hiểu mình là nạn nhân, phải mạnh dạn tố cáo để pháp luật trừng trị, bằng không người gây hại sẽ còn gây ra nhiều trường hợp khác nữa. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội phải nhìn nhận xâm hại tình dục là một tai nạn, không được kỳ thị, bài xích... Cần phá được suy nghĩ hạn hẹp của người Á Đông, thay đổi quan điểm về xâm hại tình dục của trẻ em. Trước những hành vi này, phụ huynh phải hiểu được con mình là nạn nhân chứ không phải người đáng bị lên án, xấu hổ. Phải hiểu, đấy là một tai nạn mình không mong muốn, tại sao mình không tố cáo. Từ cộng đồng phải nhìn nhận xâm hại tình dục một cách khách quan, tôn trọng, đứng về phía gia đình bị hại, không kỳ thị. Đối với cơ quan công quyền, khi có gia đình tố cáo, cần có chính sách tư vấn tâm lý ngay tại thời điểm tố cáo. Bệnh viện nên phối hợp với công an chứ không phải chỉ làm theo chức trách bình thường gây tâm lý e ngại cho người tố cáo. Cấp địa phương, công an khi tiếp nhận thông tin trẻ bị xâm hại cần sự hỗ trợ giúp đỡ tận tình nhất có thể, thay vì dửng dưng khiến người tố cáo bị tổn thương sâu hơn.
Để giảm thiểu các vụ bạo hành, nạn xâm hại tình dục trẻ, các cơ quan bảo vệ quyền lợi trẻ em cần công khai hòm thư nóng, số điện thoại, tư vấn tức thời, trực tiếp nói chuyện với trẻ, phụ huynh,... giúp nạn nhân dám nói ra tai nạn ngoài ý muốn khiến cho họ xấu hổ, nhục nhã. Có như vậy gia đình nạn nhân mới dám tố cáo.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người: Tế nhị giảng dạy giáo dục giới tính
Tùy theo từng lứa tuổi, chúng ta có cách dạy giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục cho trẻ em phù hợp. Với trẻ mầm non, chúng ta dạy cho các bé biết cơ thể gồm những bộ phận nào có nhiệm vụ gì, cách bảo vệ, vệ sinh thân thể. Phải dạy cho các em hiểu về 3 loại đụng chạm. Thứ nhất, đụng chạm văn hóa thể hiện cái bắt tay; sờ, nắn, thăm khám của các sĩ. Thứ hai có thể chấp nhận được: bạn bè nắm tay nhau, vỗ về không nhạy cảm: ôm bá vai. Thế nhưng, sự đụng chạm thứ ba thì phải tối kỵ, đó là các vùng nhạy cảm của con người. Những vùng nhạy cảm này của trẻ, bạn bè hay người thân ruột thịt cũng không được phép đụng chạm đến. Chúng ta có thể giáo dục những nội dung này bằng nhiều hình thức: môn học, câu lạc bộ, hoạt động chung, dã ngoại,... Nhưng điều quan trọng là phải thay đổi quan niệm, ý thức của người lớn để nhà trường dám dạy, học sinh học để hiểu được giá trị của môn học này. 

Bà Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy:
Sẽ có những tiết học dạy kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục
Giáo dục giới tính, vệ sinh các cơ quan sinh dục cũng như cách bảo vệ để tránh bị xâm hại được chúng tôi lồng ghép dạy trong các bộ môn, tiết học tập thể. Trước thực tế xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang có diễn biến phức tạp, tới đây, nhà trường có kế hoạch xây dựng những tiết học dạy học sinh kỹ năng phòng chống thông qua những tiết hoạt động tập thể, sinh hoạt chuyên đề của các khối. Sau đó, chúng tôi sẽ thành lập một câu lạc bộ, lấy một số em làm nòng cốt cùng với các thầy cô giáo hướng dẫn tuyên truyền cho các bạn học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Theo tôi, ngoài việc dạy Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, phòng chống xâm hại tình dục cũng nên được coi là một môn học. Qua đó các em có kỹ năng để bảo vệ, phát triển toàn diện cũng như tự tin và ra quyết định trong tương lai. Quan trọng nhất của việc dạy để các em hiểu được kiến thức và thực hành trong thực tế chứ không phải là điểm số trên nhà trường.
Nguyễn Phương Linh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững