Nhờ Covid-19, người dùng Việt đến với mua sắm trực tuyến nhiều hơn

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nghiên cứu do Facebook và Bain & Company thực hiện, dưới tác động của dịch Covid-19 người dùng Việt cởi mở hơn với mua sắm online.

Báo cáo nhận định, sự chuyển đổi từ nền kinh tế ngoại tuyến sang trực tuyến, vốn được dự kiến sẽ diễn ra trong 5 năm nhưng nay đã hoàn thành chỉ trong 1 năm, nhanh hơn nhiều so với dự báo trước đó.
Nhờ Covid-19, người dùng Việt đến với mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Ảnh minh họa
Điều này phù hợp với nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, khi có người thậm chí cho rằng chỉ trong năm 2020, dịch bệnh khiến nền kinh tế online tiến bộ hơn tới 10 năm.
Theo báo cáo, 65% người tiêu dùng Việt Nam có độ tuổi trên 15 là người tiêu dùng trực tuyến; 46% trong số đó đã chuyển sang sử dụng kênh trực tuyến là kênh mua sắm chính.
Sự cởi mở của người dùng Việt Nam được minh chứng bằng việc số lượng website thương mại điện tử trung bình mà họ mua hàng tăng từ 4 website năm ngoái lên 5,7 website trong năm 2020, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Lý do cho sự cởi mở và thay đổi là họ tìm được sản phẩm thay thế có chất lượng tốt hơn và giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu và nhà bán hàng mới.
Cũng theo báo cáo, hơn 70% người dùng Việt Nam mua sắm online mà không dự định trước sẽ mua gì. Họ thường lên mạng khám phá tìm cảm hứng và có 47% đơn hàng thành công sau các hoạt động này.
So với năm 2018, việc mua sắm trực tuyến trong năm 2020 tăng trên tất cả các danh mục. Cao nhất ở ngành hàng tạp hóa (tăng 1,8 lần), tiếp đến là thời trang (1,6 lần), chăm sóc sức khỏe (1,5 lần), đồ dùng gia đình (1,4 lần) và đồ điện tử (1,4 lần). Nguồn để khám phá trực tuyến của người Việt bao gồm: mạng xã hội và video ngắn 45%, ứng dụng nhắn tin 12%, video trung bình 30%, trò chơi 5%, video dài 4%.
Ngoài ra, thói quen sử dụng tiền mặt cũng giảm mạnh, chỉ còn 60% người khảo sát chọn COD (thanh toán tiền mặt khi nhận hàng) giảm 9% so với năm ngoái, trong khi tỷ lệ chọn hình thức ví điện tử và thẻ tín dụng/ghi nợ lần lượt là 20% và 13%.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến, nghiên cứu cho rằng các doanh nghiệp mà đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển kinh doanh.
Doanh nghiệp sẽ có thể chủ động đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đến với các nhóm khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn mà không cần ngân sách quá lớn ngay từ đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần