Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau hơn 1 năm triển khai, Bộ Công an đã khẩn trương hoàn thành và đưa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân vào vận hành, hoạt động ổn định bắt đầu từ ngày 1/7/2021.
Có thể nói, việc Bộ Công an chính thức đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tiền đề căn bản để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm quốc gia được nêu trong Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 06, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, lực lượng Công an cấp cơ sở đã tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành lập Tổ công tác tại 3 cấp: tỉnh, huyện, xã, với 63/63 tỉnh, 705 huyện và 10.599 xã, phường, thị trấn để thúc đẩy triển khai các công việc tại địa bàn cơ sở.
Trong công tác làm sạch và tạo lập dữ liệu cho các ngành, lĩnh vực, phục vụ cắt giảm các thủ tục hành chính và bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân.
Việc tiếp nhận trên 1,6 tỉ yêu cầu tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế việc người dân phải xuất trình hoặc nộp bản sao có công chứng các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của công dân, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tiết kiệm trên 500 tỉ đồng cho các bộ, ngành, địa phương. Từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc và tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã nghiên cứu, phát triển và cung cấp 35 tiện ích trên ứng dụng VNeID, được người dân hưởng ứng sử dụng với hơn 460 triệu lượt truy cập, trung bình hơn 3 - 6 triệu lượt truy cập/1 ngày.
Từ ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, C06 đã tiếp nhận hơn 50.000 yêu cầu tra cứu, xác minh từ Công an các đơn vị, địa phương, phục vụ công tác nghiệp vụ của các đơn vị, giúp các đơn vị bắt giữ được các đối tượng gây án nhanh chóng.
Điển hình như: Phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tra cứu, đối sánh sinh trắc (vân tay) để xác định tung tích nạn nhân trong vụ trọng án chặt xác thi thể trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội; phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội tra cứu vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, dẫn đến hậu quả chết người phát hiện ngày 04/10/2024 tại phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thông qua các giải pháp cảnh báo, công tác làm sạch, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội triển khai, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cả nước đã phát hiện, phối hợp bắt giữ 2.034 đối tượng truy nã.
Nói về những định hướng trong thời gian tới, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 cho biết, tiếp bước thành công của Đề án 06/CP, Bộ Công an tiếp tục tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị quyết số 175-NQ/TW khởi động xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1, tạo nền tảng vững chắc hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, với tiền đề chuyển đổi số của Đề án 06/CP là cốt lõi, trụ cột mang tính đột phá góp phần xây dựng, triển khai thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW mang tính đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới với việc Quốc hội thông qua Luật dữ liệu.
Một số giải pháp công nghệ, ứng dụng mang tính đột phá, đi trước đón đầu đang được C06 triển khai như: Nền tảng về đấu giá cho phép các tổ chức đấu giá tài sản trên nền tảng ứng dụng VNeID đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; Sổ tay Đảng viên điện tử là giải pháp công nghệ giúp các đảng viên thuận tiện trong việc học tập, tra cứu, tương tác với tổ chức đảng trên máy tính và trên ứng dụng điện thoại thông minh; Phần mềm cung cấp các tính năng hỗ trợ công tác theo dõi tiến trình đại hội Đảng các cấp; Nền tảng Thiện nguyện Quốc gia VNeID chính là một hệ sinh thái số hóa toàn diện, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động thiện nguyện một cách hiệu quả và minh bạch…