Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhờ đâu hoạt động vận tải giữ đà tăng trưởng trong năm 2023?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian bị tê liệt vì đại dịch Covid-19, hoạt động vận tải cả nước đã và đang có sự phục hồi ấn tượng với nhiều tin vui ngay trong thời điểm đầu năm 2023.

Hàng không dẫn đầu trong các lĩnh vực vận tải có đà phục hồi mạnh mẽ trong quý I/2023.
Hàng không dẫn đầu trong các lĩnh vực vận tải có đà phục hồi mạnh mẽ trong quý I/2023.

Phục hồi mạnh mẽ

Trên thực tế, hoạt động vận tải đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, đặc biệt là nửa cuối năm khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến hết 31/12/2022, sản lượng vận tải hàng hóa 12 tháng ước đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa 12 tháng ước đạt 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung cả năm 2022, vận chuyển hàng hóa các ngành đều tăng. Trong đó, hàng không tăng trưởng 3%; đường bộ tăng trưởng 22,7%; đường thủy tăng trưởng 26,9%; đường biển tăng trưởng 7,9%; đường sắt tăng trưởng 9%.

Về sản lượng, vận chuyển hành khách năm 2022 ước đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách ước đạt 171,8 tỷ HK.km, tăng 78,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hành khách 12 tháng các ngành: hàng không tăng 224,6%, đường biển tăng 56,7%, đường sắt tăng 205,6%, đường bộ tăng 51,6%, đường thủy tăng 52,9%.

 

Hai lĩnh vực có sản lượng vận tải hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm 2022 là hàng không (giảm hơn 10%) và đường sắt (giảm hơn 29%). Riêng tháng 3/2023, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 185 triệu tấn, tăng 24%; Luân chuyển hàng hóa ước đạt 40 tỷ tấn.km, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2022.

Sự phục hồi ấn tượng của hoạt động vận tải nước ta trong năm 2022 được chính các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong đó, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam đứng vị trí số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. 

Trong khi đó, vận tải biển cũng ghi dấu ấn khi Tạp chí Lloyd's List của Anh, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới. Trong đó, cảng TP Hồ Chí Minh đứng thứ 22, cảng Hải Phòng đứng thứ 28 và cảng Cái Mép đứng thứ 32.

Lãnh đạo Bộ GTVT nhận định, mặc dù năm 2022, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc tăng giá mặt hàng xăng, dầu nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động vận tải, bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt, phục vụ đầy đủ, an toàn nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Hiệu quả hoạt động vận tải là mục tiêu, là thước đo của phát triển hệ thống hạ tầng, thể chế chính sách về vận tải, có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả hoạt động vận tải năm 2022 cho thấy sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, phát triển vượt bậc, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.

Vận tải biển cũng có sự tăng trưởng ấn tượng.
Vận tải biển cũng có sự tăng trưởng ấn tượng.

Vận tải đang đi đúng hướng

Tiếp đà phục hồi ấn tượng năm 2022, hoạt động vận tải tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2023. Thống kê mới nhất của Bộ GTVT cho thấy, hoạt động vận tải quý I/2023 vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, sản lượng vận tải hành khách có mức tăng ấn tượng, lũy kế 3 tháng ước đạt 1.115 triệu lượt khách, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2022; luân chuyển hành khách ước đạt 63,7 tỷ HK.km tăng 66,5%.

Hàng không, đường biển và đường sắt là ba lĩnh vực vận tải có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, hàng không là lĩnh vực đứng đầu với  mức tăng trưởng mạnh nhất, đạt gần 100% so với năm 2022.

Đứng ở hai vị trí tiếp theo là đường biển và đường sắt. Cụ thể, vận tải khách đường biển tăng 109%, đường sắt tăng hơn 180%. Ngoài ra, đường bộ tăng hơn 26%, đường thủy tăng hơn 48%.

Riêng tháng 3/2023, sản lượng vận tải hành khách ước đạt hơn 372 triệu lượt, tăng hơn 17%; Luân chuyển hành khách ước đạt 21,6 triệu HK.km, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với vận tải hàng hóa, lũy kế 3 tháng ước đạt 550 triệu tấn, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2022; Luân chuyển hàng hóa ước đạt hơn 117 tỷ tấn.km, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, sản lượng hàng hóa lĩnh vực đường thủy tăng trưởng mạnh nhất, tăng hơn 40%, tiếp đến là vận tải đường biển tăng hơn 20%, vận tải đường bộ tăng 10,6%. Sự tăng trưởng của hoạt động vận tải trong 3 tháng đầu năm 2023 cho thấy vai trò điều hành, quản lý của Bộ GTVT đang đi đúng hướng.

Trước đó, khi nói về định hướng phát triển của hoạt động vận tải trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt.

Sự điều chỉnh cơ cấu thị phần vận tải theo từng lĩnh vực đã giúp hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng tưởng ấn tượng từ năm 2022 bất chấp nhiều ý kiến dự báo rằng việc giữ đà phát triển này sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức cho ngành GTVT.

 

Trong 3 tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2022 - 14/3/2023), toàn quốc xảy ra hơn 2.300 vụ TNGT, làm chết hơn 1.400 người, bị thương 1.578 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ TNGT giảm 428 vụ (giảm hơn 15,4%), giảm 258 người chết (giảm hơn 15,2%), giảm 148 người bị thương (giảm gần 8,6%). Riêng tháng 3/2023 (tính từ ngày 15/2 - 14/3), trên cả nước xảy ra hơn 700 vụ TNGT, làm chết 389 người và làm bị thương hơn 500 người. So với tháng cùng kỳ năm 2022, số vụ TNGT giảm 76 vụ (giảm gần 9,6%), giảm hơn 100 người chết (giảm hơn 21,5%).