Nhớ những ngày tháng tư lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã ngoại lục tuần, nhưng anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Văn Lượng vẫn còn rất sung sức.

Cũng dễ hiểu, bởi ông là lính đặc công, ngoài sức vóc trời cho là bao nhiêu năm miệt mài rèn luyện, vào sinh ra tử. Tiếp chúng tôi, giọng ông hào sảng, nhất là khi kể về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng  tư năm 1975.

Ông kể: "Năm 1974, lúc ấy tôi đang học lớp 7 ở Tân Phú, Thanh Sơn, Phú Thọ, chỉ còn mười mấy ngày nữa là thi, nghe tin bộ đội đặc công về tuyển quân. Thích lắm, nên xin nhập ngũ ngay. Thực ra lúc ấy, tôi không nằm trong diện phải đi bộ đội, bởi mới có anh trai hy sinh ở chiến trường Gia Lai - Kon Tum. Nhưng khi Tổ quốc cần, lòng quyết tâm càng thêm sôi sục. Sợ không được nhận, tôi cắt tay, viết đơn bằng máu và cuối cùng cũng vinh dự được trở thành bộ đội Cụ Hồ. Đến giờ, điều đó vẫn còn thiêng liêng lắm".
Quân ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên (ảnh tư liệu).
Quân ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên (ảnh tư liệu).
Cuối tháng 4/1974, chàng trai trẻ Hoàng Văn Lượng xếp bút nghiên, tham gia con đường binh nghiệp. Từ Phú Thọ, những thanh niên phơi phới sức xuân và đầy nhiệt huyết cuốc bộ một lèo 5 ngày đến Lục Nam (Hà Bắc) để huấn luyện. Sau 8 tháng nếm mật nằm gai, Hoàng Văn Lượng được phân công về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 198 của Bộ Tư lệnh đặc công và di chuyển vào Gia Lai để chuẩn bị giải phóng Tây Nguyên. Nhiệm vụ của các đơn vị đặc công là luồn sâu, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trên hướng chủ yếu ở Buôn Ma Thuột, nghi binh, kiềm chế, chia cắt địch ở Pleiku, Kon Tum.

Nhấp chén trà, ông tiếp tục kể về những khoảnh khắc hào hùng của mình và đồng đội như thể câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Bởi đó là trận đánh đầu tiên của ông, không sợ, nhưng đầy háo hức và hồi hộp. Đêm 9, rạng ngày 10/3 các Tiểu đoàn 4, 5, 27 của Trung đoàn Đặc công 198 bất ngờ, đồng loạt tấn công sân bay thị xã, kho đạn Mai Hắc Đế, Sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 44, căn cứ Trung đoàn 53 ngụy; sau khi tấn công, các đơn vị đã tổ chức chiếm giữ mục tiêu, kiên cường bám trụ đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, tạo bàn đạp thuận lợi cho binh chủng hợp thành tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Trên hướng Pleiku, Kon Tum, các Tiểu đoàn 1, 2, 3 của Trung đoàn Đặc công 198 phối hợp với bộ binh tấn công Đắc Soong, Sân bay Cù Hanh, trận địa xe tăng, kho tàng... thực hiện chia cắt địch chi viện cho Buôn Ma Thuột.

Ngay sau đó, nhận thấy địch rút chạy, đơn vị được lệnh cơ động theo đường 14 vào Phước Long - Sông Bé để truy đuổi tàn quân. Đến ngày 20/4, bộ đội đặc công đã đánh Bình Dương, tiến sát Củ Chi. "Lúc ấy, chúng tôi được lệnh trinh sát và đánh cầu Bông, cầu Sáng ở Thủ Dầu Một. Địch bố trí phòng vệ rất nghiêm ngặt, anh em phải dầm mình cả đêm dưới sông trinh sát, chờ thời cơ. Chiếm được rồi, đến khi chốt giữ mới ác liệt. Địch phản công bằng vũ khí hạng nặng, có cả xe tăng, trong khi quân ta chỉ toàn AK và vài khẩu B41, nhưng cuối cùng vẫn bảo vệ được mục tiêu. Nửa đại đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại đất Củ Chi ngay trước ngày chiến thắng" - nói đến đây, giọng ông nghẹn lại, khóe mắt rưng rưng.

Ngừng một lát, ông kể tiếp: "Trưa 30/4/1975, nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng, ai cũng nhảy lên vui sướng, hò hét. Có người khóc, nhớ nhà, nhớ mẹ, và nhớ cả những đồng đội mới hôm qua còn sát cánh bên mình mà hôm nay đã không được chứng kiến phút giây hạnh phúc tột cùng này. Ngay sau đó, đơn vị tôi được lệnh từ Củ Chi cấp tốc về bảo vệ Sân bay Tân Sơn Nhất. Hai bên đường, người dân nô nức đổ ra hò reo chào đón, không khí thật náo nức".

Hầu hết xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, lại quanh năm ăn hầm, ngủ hào, nên khi vào đến Sài Gòn - nơi được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông, ai cũng bỡ ngỡ lắm. "Buồn cười, lúc ấy, chúng tôi chẳng biết vàng là gì, vì đã bao giờ được nhìn thấy đâu. Khi vào nhà một viên sĩ quan cấp cao của ngụy, anh em bắt được cả vốc vàng, thấy lạ lạ, đẹp đẹp thì đem ngắm nghía. Hơn nữa, phần vì quân lệnh như sơn, phần vì bộ đội rất nghiêm chỉnh, chẳng ai có ý nghĩ, tơ hào gì của dân cả" - ông cười sảng khoái.

Sau chiến thắng 30/4, hạ sĩ Hoàng Văn Lượng tiếp tục gắn bó với bộ đội đặc công, tham gia nhiều trận đánh khác từ Chi Lăng (Lạng Sơn), Vị Xuyên (Hà Giang) đến truy đuổi Pôn Pốt, Phỉ Lào. Đặc biệt năm 1982, với những chiến công xuất sắc đột nhập, đánh phá căn cứ của Pôn Pốt, ông đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.