70 năm giải phóng Thủ đô

Nhớ về văn hóa trầu cau

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với lịch sử cả ngàn năm, tục ăn trầu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm trở lại đây, tục ăn trầu đã dần mai một, gợi ra không ít tiếc nuối về nguy cơ "biến mất" một di sản tinh thần quý báu của dân tộc.

Không phân chia đẳng cấp

Dù là lần đầu tiên tổ chức trưng bày triển lãm “Văn hóa trầu cau Việt Nam” (từ 24/10/2012 - 1/2013 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền), nhưng với hơn 100 hiện vật được sắp đặt, bài trí theo một phong cách độc đáo và có tính tương tác cao, đã thể hiện tấm lòng tri ân với nét đẹp văn hóa dân tộc và góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trầu cau trong cuộc sống đương đại. Không gian của phòng trưng bày chuyên đề rộng hơn 100m2 của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được sắp đặt, bài trí khéo léo theo mô hình gian phòng khách của gia đình người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hình ảnh của sập gụ, bình vôi, cối giã trầu, đài thờ đặt lễ trầu cau... đã phác thảo nên bức tranh toàn cảnh về nét đẹp ăn trầu của người dân, cũng như của tầng lớp vua chúa các triều đại phong kiến Việt Nam.

Nhớ về văn hóa trầu cau - Ảnh 1

Những cơi trầu, ống vôi, dao bổ cau, hộp trầu thuốc... có niên đại từ thế kỷ XIII, XIV hoặc XV được đánh giá là những hiện vật cổ nhất và quý giá nhất. Trong số đó, không ít cổ vật được chế tác từ vàng, bạc, ngọc..., có kiểu dáng cầu kỳ, tinh xảo với hình ảnh của rồng, của phượng đã thể hiện trọn vẹn những dấu ấn lịch sử và nghệ thuật qua các thời đại. Qua các hiện vật từ xa xưa, người xem vừa có được cái nhìn toàn cảnh về văn hóa trầu cau - văn hóa không đẳng cấp khi cả vua quan đến người dân đều ăn trầu, vừa thấu hiểu thêm về triết lý nhân sinh cao đẹp, sống hòa đồng của người Việt.

Để sở hữu được những cổ vật quý giá này, nhà sưu tầm Nguyễn Trung Thành (Thành Hải Dương), chủ nhân của nhiều hiện vật trong cuộc trưng bày lần này cho biết: "Tôi mất 5 năm lặn lội kiếm tìm cổ vật từ người dân và nhiều người buôn cổ vật. Lý do cho sự sưu tầm cặm cụi của tôi là vì hiện vật mang văn hóa trầu cau rất quen thuộc với tất cả chúng ta". Bên cạnh chủ đề: Tục ăn trầu và giá trị của văn hóa trầu cau ở Việt Nam, triển lãm còn dành không gian tạo sự so sánh về tục ăn trầu ở một số dân tộc ít người.

Thay đổi trưng bày để  hút khách

Trước thực trạng vắng khách tham quan triển lãm đang diễn ra phổ biến, tại cuộc trưng bày chuyên đề "Văn hóa trầu cau Việt Nam", những nhà quản lý của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã quyết định kết hợp với hai bảo tàng vừa được trang web TripAdvisor trao chứng chỉ "xuất sắc". TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã "hỗ trợ chúng tôi cả về nội dung lẫn hình thức trưng bày". Nhờ quyết tâm thay đổi cách thực hiện mà ngoài những hiện vật thuộc hàng hiếm, lần đầu tiên phòng trưng bày chuyên đề của bảo tàng đã dành trọn không gian để chiếu phim, ghi hình, giới thiệu những thước phim, câu thơ... ghi dấu văn hóa trầu cau Việt Nam như: Sự tích trầu cau, clip têm trầu cánh phượng, mời trầu trong Hội Lim, chợ cau ở TP. HCM... Từ hình ảnh đến loại hình trưng bày trong không gian triển lãm lần này đều mang tính tương tác, tạo nên sự hứng thú đối với khách tham quan.

Trong số những hiện vật trưng bày tại triển lãm "Văn hóa trầu cau Việt Nam",  có những cổ vật giá trị bậc nhất Đông Nam Á, ý tưởng của triển lãm cũng sâu sắc khi tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt. Nhưng những hiện vật ấy, ý tưởng ấy có lưu truyền được trong du khách hay không lại là thử thách đòi hỏi trình độ và tâm sức của những người làm bảo tàng. Hy vọng, sau triển lãm này, hộp trầu, khay trầu, cơi trầu... sẽ còn lưu dấu.