Nhọc nhằn mưu sinh ngày giáp Tết nơi bến xe

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên Đán Bính Thân đang cận kề. Khi mà người người, nhà nhà đang gấp rút trang hoàng nhà cửa, sắm sửa chơi Tết thì ở trên những con phố, tại các bến xe, không ít người lao động đang tranh thủ kiếm thêm từng đồng với hy vọng có một cái Tết tươm tất và đầy đủ hơn.

Giấc ngủ trưa chập chờn

Bến xe Giáp Bát thuộc Quận Hoàng Mai là một trong những bến xe quy mô và tấp nập bậc nhất của Thủ Đô. Chính vì thế trong những ngày giáp Tết, lượng người đổ về bến xe tăng đột biến. Điều này góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động nơi đây.

 
Đối với những người lao động này thì một giấc ngủ trưa tranh thủ thế này đã là qúy hóa.
Đối với người phụ nữ này thì một giấc ngủ trưa tranh thủ đã là qúy báu.
Với công việc chủ yếu là lao động chân tay như bốc vác, thu gom ve chai, bán hàng rong… thì một giấc ngủ trưa vội vàng bên những gánh hàng rong đã là xa xỉ. Làm tranh thủ, ăn tranh thủ và họ chỉ thiếp đi khi cơ thể đã quá mệt mỏi, rệu rã. Dạo một vòng quanh bến xe có thể dễ dàng bắt gặp những giấc ngủ trưa như thế. Công việc vất vả, thu nhập ít ỏi nhưng lại luôn chân luôn tay, chính vì thế những phút nghỉ ngơi hiếm hoi như thế này phần nào giúp họ lấy lại sức lực để tiếp tục "chiến đấu".

Cô Kim (52 tuổi) làm nghề bán ve chai cho biết: “Ở đây làm việc luôn tay luôn chân, lấy đâu ra thời gian mà nghỉ ngơi, ngủ được mấy phút là quý lắm rồi. Mà còn mong không được ngủ tức là có việc mà làm. Chị em ở đây ai cũng vất vả cả nhưng biết sao được mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Chỉ mong có cái Tết tươm tất hơn”.

Muôn vàn cảnh đời

Tranh thủ ăn cơm trưa, chị Thương (32 tuổi) làm nghề bốc vác tại bến xe Giáp Bát cho biết: “Chúng tôi ở đây công việc cũng nặng. Chị em làm với nhau mỗi người một hoàn cảnh. Điều kiện cũng không có gì khá giả mà phải lo cho cuộc sống cho gia đình. Mỗi kiện hàng chuyển đi chỉ được khoảng 20.000 đồng
mà người ta có thuê mấy đâu. Cho nên được mấy ngày Tết phải tranh thủ đi kiếm ít tiền về quê. Tuy vất vả nhưng đối với chị em bọn tôi có việc là vui rồi”.

 
Bữa cơm trưa tranh thủ.
Bữa cơm trưa tranh thủ.
Chị Thương chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ ở đây làm những công việc nặng nhọc như bốc vác, thồ hàng… Có những hôm trời lạnh, đôi bàn tay buốt cóng, chị vẫn phải khuân, phải vác, phải gồng mình hoàn thành công việc đôi khi quá sức. Công cán chẳng được bao nhiêu mà vẫn phải làm, bởi không làm thì lấy tiền đâu lo cho gia đình. Dẫu sao, đó cũng là những đồng tiền chân chính kiếm được từ mô hôi công sức của bản thân.

 
Vì hoàn cảnh, những người phụ nữ này phải làm những công việc nặng nhọc chẳng khác gì nam giới.
Vì hoàn cảnh, những người phụ nữ này phải làm những công việc nặng nhọc chẳng khác gì nam giới.
Không chỉ cánh mày râu mà nhiều chị em cũng tỏ ra “thành thục” trong những công việc cần nhiều đến sức khỏe. Ngoài việc khuân vác nặng nhọc, hình ảnh người phụ nữ lái xe ba bánh cũng không còn hiếm gặp tại bến xe Giáp Bát. Dễ thấy hơn là những người phụ nữ làm nghề thu gom ve chai, phế liệu, bán hàng rong nhưng những công việc này cũng chẳng nhẹ nhàng gì hơn.

 
Người phụ nữ này trông chẳng khác đấng mày râu là bao.
Người phụ nữ này trông chẳng khác đấng mày râu là bao.
Nỗi lo Tết

Theo phản ảnh của những người lao động tại bến xe Giáp Bát. Năm nay, lượng người đổ về bến xe không nhiều như mọi năm, phần vì bến xe Mỹ Đình ngày càng được mở rộng và thuận tiện hơn, phần vì xuất hiện nhiều nhà xe đón khách tận cửa hoặc bởi người dân chuyển qua đi tàu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của những người lao động nơi đây. Tết càng đến gần, nỗi lo càng lớn. Bởi đi kèm với đó là những khoản chi tiêu không hề nhỏ.

Cô Dần – một người bán hàng rong có chia sẻ với chúng tôi: “Năm nay nhìn chung là tất cả mọi người đều đói việc. Chúng tôi lo lắm chứ, chỉ mong kiếm thêm được đồng nào hay đồng đấy để về quê ăn Tết”.

Lời chia sẻ của cô Dần cũng là tâm tư của rất nhiều người lao động tại Giáp Bát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần