Phiên chiều qua và sáng nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khởi sắc, giúp cho chỉ số VN-Index phục hồi trở lại vùng 1.500 điểm, vùng hỗ trợ MA20-50 ngày. Tuy nhiên, lực cung bán giá sàn tại nhóm cổ phiếu bất động sàn (BĐS) tăng “nóng” thời gian qua vẫn chưa chấm dứt đã khiến cho VN-Index rung lắc và mất điểm.
Cũng giống như chiều qua, nhóm ngân hàng sáng nay tăng tích cực ở tất cả các mã trên cả 3 sàn. Trong đó, trên HOSE có BID tăng kịch trần lên 45.100 đồng/CP; CTG tăng 4,5%, VCB tăng 2,3%, HDB tăng 2,3%, MBB tăng 3,4%, các mã EIB, TCB, ACB, VIB, STB, OCB tăng trên dưới 2%.
Nhóm này thanh khoản khá tích cực như: MBB, CTG, STB cùng khớp lệnh hơn 27 triệu đơn vị; các mã khớp trên 10 triệu đơn vị là TPB, TCB, VPB, SHB, LPB.Rổ VN30 tăng tốt còn có FPT tăng 3%, BVH tăng 2,3%, HPG, PDR, VNM tăng nhẹ dưới 1%.
Ngược lại, các mã giảm trong rổ VN30 là GVR giảm 1,9%, NVL giảm 1,8%, KDH giảm 1,3%, VHM giảm 1,1%, VIC giảm 0,5%, SSI giảm hơn 1%.Nhóm chứng khoán ngoài mã SSI giảm kể trên, hầu hết các mã còn lại đều nằm dưới tham chiếu như HCM, SSI, VCI cùng giảm hơn 1%, VND giảm 3,3%, các mã khác như VIX, TVS, TVB, FTS, CTS… cũng đều mất điểm.
Như đã nói ở trên, nhóm BĐS vẫn chưa chấm dứt tình trạng xả hàng ở mức sàn. Điển hình là 2 mã FLC và ROS vẫn đang dư bán sàn chất đống. Trong đó, ROS dư bán sàn phiên sáng tới gần 104 triệu đơn vị, còn FLC dư bán sàn 64,65 triệu đơn vị. Các mã bán sàn và dư bán sàn hàng triệu và hàng trục triệu đơn vị còn kể đến như AMD, HQC, HNG, DLG, LDG, DIG, NBB, FCN, QCG, ITA, SCR, KHG, DIG…
Ngoài những mã tăng “nóng” thời gian qua bị bán với giá sàn kể trên thì nhiều mã BĐS khá cũng bị ảnh hưởng như BCM giảm 4,88%, VCG giảm 3%, KBC giảm hơn 2%...
Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 164 mã tăng và 288 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 0,36 điểm, tương đương giảm 0,02% xuống 1.510,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 658 triệu đơn vị, giá trị 19.958 tỷ đồng, giảm 13,76% về khối lượng và giảm 16,12% về giá trị so với phiên sáng qua.
Bước vào phiên giao dịch chiều nay, khoảng 30 phút giao dịch đầu phiên, thị trường không có diễn biến nào mới khi mà nhóm ngân hàng vẫn giữ trụ cho thị trường.
Tuy nhiên, sau đó nhóm ngân hàng có một số mã quay đầu giảm giá, một số thu hẹp đà tăng đã khiến VN-Index lao dốc mạnh, có lúc mất đến gần 15 điểm.
Cụ thể, BID không còn giữ được mức giá trần, còn tăng 4,4% lên 44.000 đồng/CP; CTG tăng 2,9% lên 35.100 đồng/CP; VCB tăng 2,4% lên 81.900 đồng/CP; MBB tăng 1,7% lên 29.700 đồng/CP; ACB thu hẹp đà còn tăng 0,8% lên 33.350 đồng/CP; các mã HDB, STB, TPB, VPB đều đánh mất sắc xanh. Trong đó, TPB giảm 2% xuống 42.150 đồng/CP; STB giảm 1,2%; HDB giảm 0,5%. Các mã ngân hàng ngoài rổ VN30 chỉ tăng trên dưới 1% là EIB, LPB, SHB, SSB, còn VIB, OCB đánh mất sắc xanh, MSB đứng giá tham chiếu.
Thanh khoản tốt nhất nhóm này và cũng cao nhất thị trường có STB khớp 43,9 triệu đơn vị; CTG khớp 35,1 triệu đơn vị; MBB khớp 34,75 triệu đơn vị; TPB khớp 17,6 triệu đơn vị; TCB khớp 14,4 triệu đơn vị; SHB khớp 18 triệu đơn vị; BID khớp 9,6 triệu đơn vị; VPB khớp 15,8 triệu đơn vị.
Rổ VN30 tăng tốt trong phiên chiều hỗ trợ thị còn có FPT tăng 2,8% lên 92.100 đồng/CP; HPG tăng 1,1% lên 46.700 đồng/CP; PNJ tăng 1,5% lên 94.100 đồng/CP.
Ngược lại, giảm sâu nhất trong rổ VN30 là POW giảm mạnh nhất 6,9% xuống mức giá sàn tại 19.600 đồng/CP; VRE giảm 6,1% xuống 33.800 đồng/CP; SSI giảm 3,3% xuống 48.850 đồng/CP; GVR giảm 4,1% xuống 35.500 đồng/CP; GAS giảm 2,8% xuống 105.000 đồng/CP; VIC giảm 2% xuống 98.800 đồng/CP; VHM giảm 1,7% xuống 82.200 đồng/CP; VJC giảm 1% xuống 122.000 đồng/CP; các mã PLX, SAB giảm trên 1%. Các mã NVL, KDH, MWG giảm nhẹ dưới 1%.
Nhóm chứng khoán vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chung của thị trường. Trên sàn HOSE chỉ có duy nhất 1 mã là FTS nhích nhẹ 0,4%, còn lại đều lùi sâu. Trong đó, giảm sâu nhất về mức giá sàn mất 7% có BCG, OGC, TVS. Các mã khác nới biên độ giảm từ trên 3% đến trên 6% như AGR, APG, BSI, CTS, EVF, FIT, VCI, VIX, VND; còn HCM, TVB cũng giảm gần hơn 2%, VDS giảm thấp cũng 0,7%, IBC về đứng giá tham chiếu.
Nhóm BĐS vẫn trong trạng thái bán sàn la liệt. Đáng kể nhất vẫn là nhóm cổ phiếu họ “FLC”, trong đó ROS khớp lệnh chỉ hơn 320.000 cổ phiếu, nhưng dư bán giá sàn tới trên 129 triệu đơn vị; FLC khớp lệnh chỉ hơn 700.000 cổ phiếu, còn dư bán giá sàn tới trên 78 triệu đơn vị; AMD cũng khớp lệnh chỉ hơn 172.000 cổ phiếu, nhưng dư bán giá sàn tới trên 28,8 triệu đơn vị.
Cùng với đó, các mã BĐS – xây dựng khác cũng bán sàn và dư bán giá sàn khá lớn như CCL, DIG, DRH, DXG, DTA, HAR, HQC, ITA, ITC, KHG, LDG, PTL, QCG, SCR, SGR, TDC, TLD, VPH, ACC, CII, CIG, CT1, DPG, EVG, FCN, FCM, HBC, HVH, HID, LCG, NHA… Trong đó HQC khớp 27,9 triệu đơn vị; DXG khớp 14,5 triệu đơn vị; ITA khớp 21,4 triệu đơn vị; SCR có 13 triệu đơn vị; LDG khớp trên 10 triệu đơn vị.
Chốt phiên chiều, sàn HOSE có 146 mã tăng và 327 mã giảm, VN-Index giảm mạnh 14,46 điểm, tương đương giảm 0,96% về mức 1.496,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 995,8 triệu đơn vị, giá trị 30.845,1 tỷ đồng, giảm 11,93% về khối lượng và giảm hơn 12% về giá trị so với phiên hôm qua.
Sàn HNX hôm nay cũng chịu áp lực từ nhóm BĐS, khiến chỉ số HNX-Index cũng lùi sâu.Nhóm bluechip HNX30 các mã BĐS cũng bán sàn hàng loạt mất 9,9-10% như CEO, IDC, DTD, L14, NBC, NRC. Trong đó, CEO khớp 5,7 triệu đơn vị, dự bán sàn 8,4 triệu đơn vị; IDC khớp 4,7 triệu đơn vị, dư bán sàn trên 1,26 triệu đơn vị. Ngoài ra, bán giá sàn trong nhóm BĐS tại HNX còn có BII, FID, IDJ, PVL, PV2, LIG, L18, MBG, …
Trên HNX, các mã liên quan đến cố phiếu FLC cũng đều bán sàn. Cụ thể, KLF chỉ khớp 400.000 đơn vị, nhưng dư bán giá sàn tới 36,97 triệu đơn vị; HAI cũng khớp lệnh chỉ hơn 335.000 cổ phiếu, nhưng dư bán giá sàn tới trên 24,1 triệu đơn vị; ART khớp lệnh chỉ hơn 580.000 cổ phiếu, nhưng dư bán giá sàn tới trên 17 triệu đơn vị.
Giảm sâu trong nhóm HNX30 còn có HUT, DXP, DIV, LAS, NDN, PVC, PVS, SHS, TAR, TVC, VMC, với mức giảm từ trên 2% đến trên 5%. Khớp lệnh cao nhất sàn có PVS khớp trên 9 triệu đơn vị, SHS khớp trên 5 triệu đơn vị.
Đóng cửa phiên, sàn HNX có 66 mã tăng và 201 mã giảm, HNX-Index giảm mạnh 12,81 điểm, tương đương giảm 2,7% xuống 460,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 114 triệu đơn vị, giá trị 3.448,2 tỷ đồng.