Theo đó, nhằm đạt hiệu quả tích cực Chương trình hành động theo Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương chủ động, tích cực thực hiện thiết thực, hiệu quả với 33 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp được phân chia thành 5 nhóm bao gồm nâng cao, thống nhất nhận thức về về vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung. Theo quan điểm của Chương trình hành động, nhận thức đúng thì hành động đúng, có tư duy và phương pháp tiếp cận đúng với yêu cầu nhiệm vụ, chức năng quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nâng cao nhận thức về phát triển đô thị, bao gồm cả công tác quy hoạch, công tác xây dựng và công tác quản lý để có hành động tương xứng, phù hợp.
Thứ hai, nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Trước hết, nâng cao chất lượng công tác tư vấn quy hoạch, công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Chất lượng kiến trúc và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cần được lồng ghép hài hòa ngay từ khi nghiên cứu và trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, thiết kế, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, bảo đảm đô thị có bản sắc vùng miền, phát triển bền vững.
Thứ ba, hoạt động đầu tư phát triển, xây dựng đô thị cần dựa trên nền tảng nguồn lực được huy động đầy đủ. Phải kết hợp giữa nguồn lực của nhà nước và nguồn lực của xã hội, của tư nhân, nguồn lực của các nhà đầu tư và nguồn lực của hợp tác công tư.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, các tỉnh, TP phải vận dụng tối đa khuôn khổ pháp lý hiện hành để huy động các nguồn lực hợp pháp trong phát triển đô thị, tập trung phát triển hạ tầng chiến lược.
Thứ tư, thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của một ngành, một cấp, mà đòi hỏi mà phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các cấp, ngành, giữa địa phương, giữa vùng miền để tạo ra nguồn lực.
Vì vậy các ngành, cấp cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng; phối hợp, thống nhất trong phát triển đô thị vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc.
Cuối cùng là xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật dựa trên kết quả rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống cơ chế chính sách hiện hành về quy hoạch và phát triển đô thị, phát hiện các rào cản, vướng mắc, các mâu thuẫn, chồng chéo hoặc lạc hậu, cần tháo gỡ trên tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Từng bước hoàn thiện một cách chắn chắn. Tăng cường bám sát thực tiễn và kịp thời phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp. Đặc biệt, lưu ý giải quyết các yêu cầu thực tiễn bức xúc như tắc nghẽn giao thông, ngập úng đô thị, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình; vấn đề ô nhiễm môi trường trong đô thị; vấn đề phát thải nhà kính; các vấn đề thiếu hụt về hạ tầng văn hoá xã hội như: y tế, giáo dục, thể thao, cây xanh.