Nhộn nhịp đêm cuối năm trên công trường ga ngầm S12
Những ngày sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn, công trường ga ngầm S12 (đường Trần Hưng Đạo) của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội vẫn sáng đèn, ầm ì tiếng máy móc. 40 người vẫn đang hối hả làm việc. Họ gồm có 14 kỹ sư, 6 thợ lái máy, 10 công nhân và 7 nhân viên vệ sinh còn bám trụ lại công trường để đảm bảo tiến độ cho dự án.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Lâm, Phó trưởng phòng Quản lý dự án 1 (Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội-MRB) cho biết, ga ngầm S12 đang nằm trên "đường găng" tiến độ của dự án (các hạng mục nằm trên "đường găng"- tức là nếu chậm một ngày sẽ kéo cả dự án chậm theo). Chính vì thế, việc hạ đặt 2 lồng thép và đổ bê tông cho kết cấu tường vây ga ngầm S12 là dấu mốc quan trọng trong tiến độ tổng thể dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội.

Hiện 2 máy khoan hầm TBM vẫn đang nằm ở ga ngầm S9 (Kim Mã) và đang chờ các ga S10, S11 và S12 hoàn thành. Nếu ga S12 bị chậm tiến độ, máy khoan ngầm TBM có thể sẽ phải dừng chờ ở ga S11, khiến cả dự án bị chững lại.
Nhiệm vụ của các công nhân trong ngày 28 Tết là hạ đặt khung cốt thép cuối cùng của kết cấu tường vây ga ngầm S12. Khung thép nặng 24 tấn, dài 35m.
Theo thiết kế, ga ngầm S12 sẽ có 3 tầng hầm, trong đó tầng ke ga nằm ở độ sâu 35m dưới mặt đường. Đây là ga sâu nhất trong số 4 ga ngầm của tuyến metro. Các ga ngầm còn lại chỉ có 2 tầng, sâu 29m.
Dưới cái lạnh 13 độ C của đêm cuối năm, các công nhân vẫn giữ nhịp thi công hối hả. Nỗ lực tăng ca tại ga S12 đã giúp nhà thầu hoàn thành hạ đặt được khung cốt thép cuối cùng của kết cấu tường vây. Nghỉ Tết xong, họ sẽ làm việc trở lại từ mùng 2 tháng Giêng, hạ đặt và hoàn thành toàn bộ tường vây.




Dự án đường sắt đô thị: Phải thống nhất tiêu chuẩn, phân chia rủi ro
Các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo phát triển đường sắt đô thị (ĐSĐT) đều thống nhất, cần thống nhất về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho các dự án ĐSĐT. Bên cạnh đó cần nghiên cứu kỹ hợp đồng FIDIC, phân chia rủi ro giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Biến chính sách thành nguồn lực phát triển đường sắt đô thị
Kinhtedothi - Hà Nội đã và đang dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng đường sắt đô thị (ĐSĐT), tuy nhiên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách sẽ tạo nên một trong những nguồn lực quan trọng và hiệu quả nhất để phát triển ĐSĐT.

Các nước trên thế giới đã phát triển đường sắt đô thị như thế nào?
Kinhtedothi - Với những ưu điểm vượt trội như: tốc độ cao, di chuyển nhiều chuyến trong ngày với khối lượng hành khách lớn, tiện lợi và thoải mái, đường sắt đô thị ngày càng được nhiều quốc gia, TP trên thế giới chú trọng phát triển .