Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhộn nhịp giao dịch ngầm nhà ở xã hội: Cuộc chơi không người lái?

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với cách đây vài năm, nhà ở xã hội (NƠXH) hiện đã không còn “hot”, thế nhưng điều lạ là, nhiều người vẫn không chọn mua bằng đường “danh chính ngôn thuận” mà lại thông qua “cò”, sẵn sàng đặt cọc hàng trăm triệu đồng giữ chỗ suất mua nhà xã hội.

Chính sách an sinh xã hội vì thế vô hình chung đã bị ảnh hưởng.
“Chạy” nhà qua một cuộc điện thoại?
Trong vai người có nhu cầu mua NƠXH, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã liên hệ với số điện thoại 0987643XXX rao bán NƠXH Kiến Hưng Lucky House (Hà Đông) để được tư vấn. Đầu dây tên M. tự nhận là nhân viên thuộc phòng hỗ trợ chạy thủ tục hồ sơ bên ngoài cho chủ đầu tư (Vinaconex 21) nhiệt tình cung cấp thông tin. Qua trao đổi, “cò” này cam kết: “Muốn mua NƠXH ở bất cứ dự án nào mà không liên đới với thị trường “ngách” thì 90% hồ sơ sẽ “bật”. Chỉ với một cuộc điện thoại của em cho “tay trong” chủ đầu tư thì đảm bảo 100% mua được căn hộ đúng căn – tầng đã chọn. Hồ sơ của gia đình chị vì thế sẽ có những kí hiệu riêng trước khi đến tay chủ đầu tư”. Khi phóng viên đặt câu hỏi cần đặt cọc bao nhiêu để giữ chỗ thì M. ngắn gọn: “không cần”. Theo M., giao dịch dạng này muốn thành công thì phải tin nhau là chính (?!). Hầu hết các gia đình chỉ cần một khoản cảm ơn nhỏ (40 triệu đồng) cho chủ đầu tư là yên tâm nhận nhà.

Nhà ở xã hội tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng

Tiếp tục lần theo những thông tin trên mạng, phóng viên phát hiện “muôn hình, vạn trạng” mánh lới bán buôn NƠXH. Bên cạnh hình thức giao dịch dưới gầm bàn qua “cò”, các đơn vị dịch vụ chạy suất NƠXH từ A - Z cũng hoạt động rầm rộ. Lần theo địa chỉ trên mạng là Công ty CP Đầu tư và Phát triển số 1 Thủ Đô tại Phòng 402 tòa nhà CC2 Khu đô thị Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai), phóng viên ngỏ ý mua căn hộ giá dưới 1 tỷ đồng ở Hà Nội. Nữ nhân viên tên N.K nhanh chóng cung cấp bảng danh sách hơn 30 dự án đang triển khai mở bán…
Đành rằng có cầu ắt có cung, thế nhưng tôi cho rằng , đây là “cuộc chơi” không người lái, chưa có sự quản lý sát sao của cơ quan chức năng để người dân mụ mị rơi vào ma trận của “cò” và  tạo cơ hội cho cả người không đúng đối tượng được mua, làm ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ
“Những căn hộ NƠXH này đều thuộc chính chủ nhờ bán lại qua chỗ bọn em nên chị yên tâm tuyệt đối” –N.K nhanh nhảu. Khi phóng viên quyết định chọn dự án NƠXH tại 987 Tam Trinh (Hoàng Mai) đang “hot”, N.K ra giá “chênh 100 triệu đồng” (bao gồm vào tên chính thức) và cam kết không phải bốc thăm. “Cuối tháng 4 này, chủ đầu tư mới chính thức ký hợp đồng mua bán cho các căn hộ đã bốc thăm đợt 1 và chị được vào tên luôn. Giá gốc chỉ 15 triệu đồng/m2 cho dự án NƠXH duy nhất trên thị trường rộng 70m2 với 3 phòng ngủ. Chị yên tâm, công ty em địa chỉ ở đây, không ai lừa đảo hết. Chị đặt cọc 20 triệu đồng, lúc nào ký hợp đồng mới phải trả hết số còn lại” - N.K khẳng định, rồi tư vấn thêm, nếu không muốn vào tên đợt 1 thì đợt 2 tham gia bốc thăm. Khi đóng tiền chênh, kiểu gì cũng bốc trúng. Thậm chí, nhân viên này còn nhiệt tình: “Để đảm bảo sự thông suốt, nếu gia đình có nhu cầu, công ty em cũng sẽ chạy từ A - Z: sổ hộ khẩu, tạm trú KT3, hay dấu xác nhận đi làm (nếu chưa có công việc). Chi phí phát sinh thêm khoảng 5 triệu đồng”. Đồng nghĩa, tổng chi phí để sở hữu một căn hộ NƠXH thông qua dịch vụ, phóng viên phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng. Đáng chú ý, số tiền trao chênh không theo nguyên tắc “không làm biên nhận”.
… như chưa hề bị cấm
Thực tế, khi cơ quan chức năng kiểm tra sai phạm, hầu hết các trường hợp đều “đúng quy định, xét duyệt mua nhà đúng quy trình” (?!), còn kết quả xử lý hành vi trục lợi chỉ…“trên đầu ngón tay”. Đến nay có khoảng 10.000 căn hộ NƠXH hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng vi phạm về quy định mua bán được phát hiện và thu hồi chỉ vỏn vẹn vài trường hợp. Đây là loại việc mới phát sinh trong đời sống xã hội, chưa có tiền lệ xử lý và có thể nói rằng pháp luật về vấn đề này còn bất cập.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, việc phát hiện dấu hiệu vi phạm bán buôn nhiều nhưng xử lý chẳng được bao nhiêu là do cơ chế lỏng lẻo. Trường hợp có sai phạm thì quy định hiện chỉ dừng lại ở phát hiện và thu hồi (trả lại tiền cho người mua NƠXH) nên không đủ sức răn đe. Do vậy, phải có chế tài phạt hành chính, thậm chí thu hồi (không hoàn tiền) để trả lại sự công bằng và quan trọng hơn tạo niềm tin cho chính sách an sinh xã hội. “Tôi thấy lạ. Bây giờ nhà ở  thương mại giá bình dân khá nhiều, cao hơn nhà ở xã hội cũng không hơn nhiều, khách hàng có nhiều lựa chọn. Thế nhưng họ vẫn sẵn sàng bỏ ra 100 triệu để mua “chui” nhà ở xã hội.  Với số tiền “môi giới” này, giá nhà đã đội lên vài giá, trong khi mua bán kiểu này tiềm ẩn không ít rủi ro" – GS.TSKH Đặng Hùng Võ nói.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Bùi Sinh Quyền - Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho rằng, cần bổ sung các quy định về quyền huỷ bỏ hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp trong Luật Nhà ở, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Thông tư số 36/2009/TT-BXD hướng dẫn việc bán, cho thuê, cho thuê mua, quản lý sử dụng nhà ở thu nhập thấp và trong mẫu hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở thu nhập thấp ban hành kèm theo Thông tư này. Ngoài ra, trong mẫu hợp đồng mua bán, thuê mua cần bổ sung điều khoản phạt vi phạm hợp đồng, bổ sung vào Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 các quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi bán, cho thuê, cho thuê lại trái phép, các hành vi gian dối của tổ chức, cá nhân trong việc lập hồ sơ, xác nhận đối tượng, điều kiện mua nhà ở thu nhập thấp.
Chuyên gia nhận định
Không giám sát chặt thì còn các hành vi trái luật
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, bất động sản là một trong những lĩnh vực đầu bảng còn tồn tại tỷ lệ lớn giao dịch ngầm. Trong đó, nguồn hàng nhà ở xã hội (NƠXH) được mua – bán “ngầm” chiếm một số lượng không nhỏ do phù hợp với túi tiền của số đông khách hàng. Phần lớn người dân mua NƠXH “chui” thường thông qua các thứ cấp tác động trực tiếp lên chủ đầu tư để hưởng số tiền chênh “ngoài luồng”.
Vấn đề là, tại sao cách thức này lại được tung hứng thoải mái như vậy? Tại sao nhiều khách hàng dù biết luật pháp cấm vẫn sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng để giữ chỗ mua nhà? Đơn giản là vì, họ thấy nó ra sản phẩm thật. Thay vì chờ xét duyệt hồ sơ, chấm điểm, bốc thăm mà vẫn… out thì bỏ thêm vài trăm triệu đã “chắc chân” có nhà luôn. Chừng nào còn trao mọi quyền cho DN: Xây nhà, xét duyệt hồ sơ, chấm điểm, quản lý sau này thì chừng đó các hành vi “trái luật” vẫn còn. Xuất phát cũng bởi lợi nhuận, trước khi lên danh sách, hộ gia đình nào có “tiền tươi” thông qua các thị trường ngách tới chủ đầu tư sẽ được ưu ái hơn là không quá khó hiểu. Một khi danh sách đã sai, các bước kế tiếp khó chuẩn. Tốt nhất là việc này nên có một tổ công tác hay một nhóm xét duyệt độc lập, tránh cho DN “một mình bao sân”.
Gia Tuấn ghi