Nhộn nhịp kiếm tiền mùa cưới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mùa cưới, từ các làng quê đến thành thị, nơi nào cũng có người làm dịch vụ nấu cỗ thuê, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Ăn theo các đám cưới còn có những dịch vụ, như: giết heo (gà, bò…) thuê, hát đám cưới, làm MC…, giúp nhiều người kiếm thêm một khoản thu nhập kha khá.

Nấu cỗ có nhiều loại, từ việc gia chủ lên thực đơn, sau đó tự mua thực phẩm và thuê người đến nấu, hoặc để các nhóm thợ nấu cỗ lo dịch vụ trọn gói từ A đến Z. Với việc nấu cỗ tại nhà, chủ tiệc có thể trực tiếp kiểm tra chất lượng, độ an toàn của bàn tiệc để không bị ngộ độc thực phẩm.

Mùa nấu cỗ thuê

Nhiều năm nấu cỗ đám cưới, bà Lê Thị Tám Oanh (ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) cho biết: “Để cùng lúc làm nhiều mâm cỗ vừa lòng khách, người làm cỗ phải chuẩn bị chu đáo từ nguyên liệu đến các loại gia vị... Những ngày nhận nhiều đám, tôi phải chạy tìm người rành việc nhờ họ giúp thêm”.

Theo bà Tám Oanh, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn thực đơn theo nhu cầu, hoặc đưa ra bảng giá để bà đề xuất món cho họ lựa chọn sao cho vừa tiết kiệm, vừa phù hợp với đám tiệc và khả năng. Vào mùa cưới, nhiều gia đình muốn thuê nhóm của bà làm tiệc phải đặt lịch trước vài tuần, thậm chí cả tháng. Một tháng cơ sở nấu cỗ của bà nhận đặt khoảng 500-700 bàn, với gần 20 người đứng bếp và phục vụ. “Nếu không phải mùa cưới, chúng tôi chỉ nhận 3 đám cho mỗi ngày chủ nhật, còn thời điểm này có lúc đến 5-7 đám/ngày. Rải rác từ đây đến Tết Âm lịch, cuối tuần nào chúng tôi cũng có đám, chưa kể phục vụ dịp liên hoan, tổng kết của các đoàn thể, công ty” - bà Tám Oanh nói thêm.

Nấu cỗ thuê được nhiều người ví von là nghề “làm dâu trăm họ”, bởi nếu vừa lòng người này, thì lại không vừa ý người kia. Để đáp ứng đầy đủ mọi thực đơn và cung cách phục vụ cho hàng trăm người là chuyện không hề đơn giản, nhất là chuyện cưới xin, việc trọng đại của một đời người. Do đó, mâm cỗ cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc vui của gia chủ.
Dịch vụ nấu cỗ thuê luôn đông đúc vào mỗi dịp cưới hỏi cuối năm.
Dịch vụ nấu cỗ thuê luôn đông đúc vào mỗi dịp cưới hỏi cuối năm.
“Nghề nấu cỗ tương đối vất vả, đòi hỏi phải khéo léo nhằm làm vừa lòng không chỉ thực khách, mà còn “lấy tiếng” cho các đám tiệc sau đó. Cỗ ngon không đơn giản là thực đơn đủ món, mà hình thức bài trí còn phải bắt mắt. Thực khách bây giờ không chỉ cần ăn no, mà thức ăn còn phải ngon, được trình bày nhìn đẹp mắt. Nói chung là “chín người mười ý” nên phải cố gắng thỏa mãn đầy đủ nhu cầu của họ mới hy vọng đắt khách” - chị Đặng Thanh Tâm, chủ cơ sở nấu ăn Thanh Tâm, tâm sự.

Khẩn trương xếp từng món ăn vào bàn, chị Tâm cho hay: “Trước khi đem cỗ đến nhà khách, cả đêm trước đó phải thức trắng để chọn lựa tỉ mỉ từng thứ rau, cân thịt, con cá… cho sạch sẽ, tươm tất. Đây là điều tối quan trọng đối với dịch vụ này, nếu không cẩn thận bị phàn nàn hay gây ngộ độc thực phẩm… thì mình phải bồi thường và hoàn lại số tiền đặt cọc trước đó”.

Cơ sở của chị Tâm hoạt động được 3 năm, với hơn 10 người, hình thành từ ý kiến đề xuất của chị em tổ phụ nữ ở khu 12, xã Long Đức (huyện Long Thành), nhằm giải quyết việc làm trong những ngày nhàn rỗi. Nhờ dịch vụ nấu cỗ thuê ngày càng phát triển, cơ sở không chỉ tạo thêm thu nhập cho nhiều người, mà còn đóng góp kinh phí để Hội hoạt động lâu dài.

“Dịch vụ” ăn theo mùa cưới

Vì đãi cỗ tại nhà nên nhiều nơi đã phát sinh nhiều “dịch vụ” lạ nhằm đáp ứng yêu cầu của gia chủ. Đến tận nhà giết mổ heo, gà, dê…, hay thuê các “ca sĩ” chuyên hát những ca khúc sôi động, trẻ trung nhằm thay đổi, khuấy động không khí bữa tiệc… trở thành dịch vụ được nhiều chủ tiệc cưới yêu cầu.
“Cuộc sống hiện đại, người ta không chỉ quan tâm về khẩu phần ăn, mà còn chú trọng cả về chất lượng. Một mâm cỗ ngoài chuyện đẹp về hình thức mà các món ăn còn phải ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yêu cầu lớn nhất của gia chủ” - bà Nguyễn Thị Xuân, chủ một cơ sở phục vụ tiệc cưới ở TP.Biên Hòa, cho biết.
“Nhiều gia đình sống bằng nghề chăn nuôi, sẵn có heo, gà, dê… nên thường thuê người đến tận nhà giết heo, gà rồi tự lên thực đơn, sau đó mới thuê người đến nấu. Nhờ thế mà chúng tôi, những người chuyên đi giết heo, gà, vịt thuê có thêm thu nhập. Những tháng cuối năm luôn là dịp bận rộn nhất, hầu như tuần nào tôi cũng giết vài con heo, dê và cả bò nữa” - ông Nguyễn Văn Tiến (46 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) tâm sự.

Ngồi mài lại những con dao thêm sắc lẹm, ông Tiến cho hay, thù lao ông nhận được từ gia chủ đôi khi là tiền, nhưng cũng có lúc vài ba cân thịt đem về cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Theo ông, khi có đám tiệc, ngoài chuyện phục vụ các món ăn như ở nhà hàng, nhiều người muốn rình rang cho vui nhà vui cửa còn thuê ông giết hộ heo (dê, bò…) để chế biến thêm vài món ăn. “Cuối tuần không có việc gì làm, làm thịt gia súc, gia cầm thuê kiếm thêm chút ít cũng tốt. Ở nhà ngồi không chán lắm, lại sinh tật nhậu nhẹt không hay” - vừa nói xong, ông Tiến đã chuẩn bị “đồ nghề” đi giết heo cho một người ở trong xóm.

Không cần chạm tay đến dao, kéo hay dầu mỡ, những người đi hát thuê cũng có thể kiếm bộn tiền vào mỗi dịp cưới. Họ là các “ca sĩ” không chuyên nhưng biết chọn những bài hát sôi động, hợp với yêu cầu của khách hàng. “Hiện nay, các đám cưới thuê những người chơi nhạc sống là bình thường. Bây giờ, ngoài nhạc phải có người biết hát, biết nhảy để khuấy động không khí bữa tiệc. Không cần giọng hát thật hay như ca sĩ hay MC chuyên nghiệp đâu…” - Ngọc Danh (25 tuổi, một người chuyên hát nhạc đám cưới) kể lại.

Vào những ngày cuối tuần, Danh có thể chạy “sô” từ 3-5 đám bất kể giờ giấc. Với công việc này, thu nhập thêm của Danh từ 200-300 ngàn đồng/ngày. Tất bật chuẩn bị đi hát cho một tiệc sinh nhật, chàng ca sĩ không chuyên không ngần ngại cho biết: “Sở thích của mình là hát hò, tụ tập ở chỗ đông người đem niềm vui, góp thêm tiếng cười cho mỗi dịp hiếu hỉ. Ngày thường lại quay về với công việc ở công ty, xí nghiệp”.

Cuối năm, các đôi  bạn trẻ kết duyên nên nghĩa vợ chồng không chỉ mang điều tốt lành cho những người trong cuộc, mà còn mang đến niềm vui với nhiều người làm công việc thời vụ, như: nấu cỗ, phục vụ lễ tân, ca hát.