Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhộn nhịp thị trường quà tặng dịp Tết Thiếu nhi năm 2022

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này thị trường quà tặng cho các bé nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 khá nhộn nhịp, sức mua tăng mạnh. Nhằm kích cầu tiêu dùng các nhà bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách mua hàng.

Nhiều chương trình khuyến mại

Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C Thăng Long, Co.op Mart và các đại lý đồ chơi, thời trang trẻ em cho thấy, mặt hàng quà tặng trẻ em khá phong phú về chủng loại, mức giá không quá đắt.

Người tiêu dùng mua đồ chơi trẻ em tại siêu thị Co.op Mart
Người tiêu dùng mua đồ chơi trẻ em tại siêu thị Co.op Mart

Chẳng hạn, đồ chơi phổ biến cho bé trai là xe điều khiển, robot, xe đua, xe tăng, siêu nhân… búp bê, thú bông, đàn, bộ trang điểm dành cho bé gái được bán với giá từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm. Bên cạnh đó, còn có các món đồ chơi phát triển kỹ năng và trí tuệ như mô hình lắp ráp, bộ đồ chơi nghề (bác sĩ, đầu bếp, kỹ sư...), đồ chơi gỗ thông minh, đất nặn, cát dẻo… giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/bộ.

Đối với hàng thời trang, sản phẩm cho bé trai thường là quần jeans, kaki kết hợp áo thun cổ tròn, áo sơ mi, còn bé gái với các loại đầm, váy, quần, áo… có giá từ 50.000 - 500.000 đồng/sản phẩm.

Thực tế cho thấy, mặc dù mẫu mã sản phẩm đồ chơi, thời trang trẻ em khá phong phú, giá bán không quá đắt nhưng sức mua không tăng so với các năm trước. Nhằm kích cầu tiêu dùng, các siêu thị, cửa hàng đều tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá.

Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hiện siêu thị tổ chức chương trình khuyến mại “Đại tiệc sale cho bé”, qua đó giảm giá đến 40% cho sản phẩm đồ chơi lắp ráp, thú nhồi bông, thời trang trẻ em. Không chịu thua kém, từ nay đến hết ngày 5/6 hệ thống cửa hàng đồ chơi Mykingdom triển khai chương trình giảm giá 30 - 50% các sản phẩm đồ chơi. Hệ thống cửa hàng tiNiStore triển khai chương trình “Mua nhiều giảm sâu” tặng kèm mã giảm giá từ 30.000 - 75.000 đồng với đơn hàng trên 300.000 đồng.

 

Bên cạnh việc thanh, kiểm tra thường xuyên các đầu mối bán đồ chơi, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, tổ chức ký cam kết kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; không buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng công bố đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả..

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng

Không chỉ các cửa hàng kinh doanh đồ chơi tổ chức chương trình giảm giá sản phẩm, mà cửa hàng thời trang cũng bung ra các chương trình khuyến mại. Cụ thể, thương hiệu thời trang trẻ em Yody triển khai khuyến mại “Tết thiếu nhi - Vui mê ly” giảm giá 20% toàn bộ sản phẩm. Chuỗi cửa hàng Soc&Brothers giảm giá 20 - 50% các sản phẩm giày dép, thời trang cho bé. Thương hiệu thời trang Gosumo triển khai ưu đãi “Tuần lễ quốc tế thiếu nhi” giảm đến 70% sản phẩm giày, túi, váy balô cho trẻ em. Chuỗi cửa hàng TokyoLife giảm 50% các mẫu đồ bơi trẻ em, giảm 40% váy đầm, quần short, áo thun trẻ em và giảm 30% sản phẩm balô chống nước...

Ngăn chặn đồ chơi trẻ em bạo lực nhập lậu

Tết Thiếu nhi đang đến gần, lợi dụng dịp này, không ít đối tượng kinh doanh đồ chơi trẻ em tung ra thị trường những mặt hàng mang tính bạo lực, hàng nhập lậu, kém chất lượng để trục lợi.

Thực tế một số cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm), Quang Trung (quận Hà Đông) và khu vực ngoại thành Hà Nội đang bán ra thị trường các loại súng bắn bi, bắn đạn nhựa, kiếm, đao... với giá từ 50.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo hoặc các sàn thương mại điện tử đều xuất hiện tình trạng công khai rao bán đồ chơi bạo lực. Khách hàng chỉ cần đăng ký thành viên là có thể dễ dàng mua được các mặt hàng độc hại này.

Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ đồ chơi bạo lực tại quận Hà Đông
Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ đồ chơi bạo lực tại quận Hà Đông

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện một số vụ kinh doanh đồ chơi bạo lực nhập lậu. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa cho biết, trong tháng 5/2022, qua kiểm tra 2 kho hàng ở xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất) lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm đồ chơi súng nhựa mang tính bạo lực.

Trước đó, khi kiểm tra cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại Công viên thể thao cây xanh Hà Đông, lực lượng chức năng phát hiện hơn 500 khẩu súng bằng nhựa mang tính chất bạo lực. Chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi Ngụy Thị Linh thừa nhận, toàn bộ số đồ chơi này được mua trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để tiêu thụ sản phẩm đồ chơi mang tính chất bạo lực, chủ của hàng lợi dụng mạng xã hội Facebook và tài khoản Zalo mang tên Chuclinhh để rao bán sản phẩm.

“Hiện một khẩu súng nhựa được nhập về chỉ với giá trên dưới 10.000 đồng, nhưng khi đến tay người mua, giá được thổi lên khoảng hơn 100.000 đồng. Vì lợi nhuận gấp cả chục lần nên chủ hàng sẵn sàng nhập số lượng lớn để bán ra thị trường” - ông Hoàng Đại Nghĩa nêu rõ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng chia sẻ, nhằm ngăn chặn hiện tượng kinh doanh đồ chơi bạo lực, hàng nhập lậu, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi vi phạm của những cơ sở kinh doanh đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, có xu hướng bạo lực qua đó bảo đảm môi trường hình thành nhân cách, tâm lý của trẻ nhỏ.