Đề nghị cân nhắc, tích hợp cả hai phương án
Sáng 27/5, tại phiên thảo luật một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ bản thống nhất với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TP Hồ Chí Minh) quan tâm tới quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần. Đại biểu cho rằng hai phương án quy định tại Dự thảo Luật đều có những hạn chế, chưa phải là những phương án tối ưu nhất.
Đại biểu phân tích, không nên chọn phương án 2 vì chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải bằng cách giữa 50% số tiền ít ỏi của người lao động. Tuy nhiên, phương án 1 thì cũng vẫn còn có những băn khoăn, bởi vì những người đóng BHXH sau ngày Luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Đại biểu đề nghị, cả hai phương án được đánh giá đều chưa phải là tối ưu thì nên giữ nguyên như quy định hiện hành, tránh sự xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn, kể cả việc tham gia BHXH trước hay sau khi Luật này có hiệu lực.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng 2 phương án đã nêu. Đại biểu cho rằng, cả hai phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu, vì thực tế trong bối cảnh điều kiện của nước ta hiện nay nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải vượt qua những khó khăn trước mắt. Vì vậy, không thể hạn chế việc rút BHXH một lần đối với những người tham gia BHXH sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1.
Theo đại biểu, nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia BHXH cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và cũng có tâm lý so sánh và ồ ạt rút BHXH trước khi luật có hiệu lực.
Đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung lớn, rất cần có lộ trình vừa để người dân làm quen, tiếp cận và có thời gian để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của người dân. Đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục cân nhắc và nên tích hợp cả hai phương án này.
Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng phương án 1. Còn đối với người tham gia BHXH sau khi Luật này có hiệu lực thì áp dụng phương án 2; đồng thời, đề nghị làm rõ 50% tổng thời gian đóng là giai đoạn nào.
Bổ sung đánh giá tác động kỹ hơn, toàn diện hơn
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, điều kiện hưởng BHXH một lần là vấn đề khó, phức tạp, được người lao động quan tâm. Phân tích phương án 1, đại biểu Hoa Ry cho rằng phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án 1 lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày Luật này có hiệu lực.
Mặc dù, cho rằng đây là phương án tối ưu song đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy, vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động bởi trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh; tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, số liệu người lao động rút BHXH một lần trong tháng 4 vừa qua tăng 39% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua cho thấy nhận định phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia BHXH là chưa chính xác, vì vậy cần có giải pháp hiệu quả, khả thi.
Đối với phương án 2, đại biểu Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét việc rút BHXH một lần của người lao động xuống từ 3 đến 6 tháng để bảo đảm người lao động đáp ứng được nhu cầu cấp bách khi mất việc làm, duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.
Tranh luận nội dung này, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Đoàn tỉnh Quảng Nam) nêu rõ, hai phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án này là thời điểm tham gia đóng BHXH của người lao động là trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng BHXH trước ngày 1/7/2025 thì được hưởng BHXH rút một lần, sau ngày này thì không được hưởng.
Đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu rút BHXH một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm trước hay sau khi luật này có hiệu lực. Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của hai phương án, đại biểu đề xuất tích hợp hai phương án trên. Từ đó giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn tỉnh Bình Thuận) thống nhất với phương án tích hợp phương án 2 vào nhóm 2 của phương án 1. Theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ sau ngày 1/7/2025 thì vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần theo lộ trình giảm dần (mỗi năm giảm dần 20%) và chấm dứt vào năm 2030. Đồng thời, bổ sung thêm điều khoản quy định theo hướng có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ lao động vượt qua khó khăn
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất một số giải pháp để hạn chế việc rút BHXH một lần như: giải pháp đồng bộ bảo đảm có những chính sách hỗ trợ về tín dụng, ưu đãi dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những đối tượng không rút BHXH một lần để khi nghỉ việc người lao động được vay tiền trang trải cuộc sống; có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn tỉnh Cà Mau) cho rằng, để hạn chế việc rút BHXH một lần cần nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động thật sự khó khăn và có xác nhận của doanh nghiệp với thủ tục nhanh, gọn, thuận lợi, việc hỗ trợ cho vay cần dựa vào thời gian đóng bảo hiểm.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) nhấn mạnh, thời gian tới, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già.