Nhu cầu về nhà ở vẫn cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, mỗi năm dân số Việt Nam tăng trên 1 triệu người, trong khi diện tích nhà ở bình quân của một người là 18,6m2. Để diện tích bình quân không giảm, mỗi năm phải có thêm khoảng 19 triệu mét vuông nhà ở.

KTĐT - Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, mỗi năm dân số Việt Nam tăng trên 1 triệu người, trong khi diện tích nhà ở bình quân của một người là 18,6m2. Để diện tích bình quân không giảm, mỗi năm phải có thêm khoảng 19 triệu mét vuông nhà ở.

Nhu cầu lớn

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, nhu cầu về nhà ở của người dân hiện còn rất lớn. Bình quân diện tích nhà ở trên đầu người ở Việt Nam mới đạt trên 13 m2. Mục tiêu là đến năm 2015 theo Quyết định của Thủ tướng phải đạt 15 m2/đầu người và đạt 20 m2/đầu người vào năm 2020.

Việt Nam hiện có trên 1 tỷ m2 nhà ở, đến năm 2020 Việt Nam cần có tổng diện tích nhà ở trên 2 tỷ m2. Tức là trong 10 năm tới chúng ta phải xây dựng khoảng 1 tỷ m2 nhà ở. Trung bình phải xây 100 triệu m2 nhà ở/năm.

Theo đó, báo cáo của Savills về thị trường nhà ở trong quý 4/2009 của Việt Nam hiện vẫn còn rất lớn và chưa được đáp ứng, đặc biệt là đối với căn hộ hạng B và C.

Savills cho rằng, do mật độ dân số cao và quỹ đất hạn chế cho việc phát  triển các dự án ở  trung  tâm  thành phố, nên nhu cầu căn hộ có xu hướng chuyển sang các quận huyện bên ngoài có cơ sở hạ tầng phát triển tốt như Từ Liêm, Cầu Giấy và Tây Hồ.  

 Thống kê của Savills cho thấy, số căn hộ để bán trên thị trường sơ cấp từ tổng số 14 dự án đang bán trong quý 4/2009 là khoảng 2.200 căn. Trong đó các huyện Từ Liêm, Đống Đa và Cầu Giấy chiếm phần lớn nguồn cung sơ cấp.  

Số lượng giao dịch thành công trên toàn thị trường sơ cấp quý 4/2009  cao hơn  so với  quý  trước. Khoảng  1.460 căn  hộ  đã được bán trong quý này, chiếm 67% nguồn cung sơ cấp so với 440 căn bán được trong quý 3/2009.  

Như vậy, mức tiêu thụ các căn hộ hạng B và hạng C lớn hơn nhiều so với các căn hộ hạng A.  

Cụ thể, tại thị trường sơ cấp ở khu vực Tây - Nam Hà Nội, đặc biệt là quận Hà Đông đã trở nên rất “nóng” khi một số nhà đầu tư đưa ra giá và các điều kiện  thanh  toán hấp dẫn. Tuy nhiên,  thị  trường khu vực này “nóng” lên chưa được lâu thị lại trở về nguội dần trong thời gian cuối năm.     

Nguồn cung dồi dào

Đến nay, trên cả nước có khoảng 486 khu đô thị mới có quy mô từ 20 ha đến trên 1.000 ha với tổng diện tích đất theo quy hoạch dự kiến là 74.057 ha, trong đó có nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa tiến hành triển khai.

Riêng Hà Nội, sau khi rà soát các đồ án, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố đã đề nghị cho phép tiếp tục triển khai 241 dự án vào đợt 1. Trong số này có tới trên 60% là dự án nhà ở, khu đô thị mới.

Nhiều dự án khu đô thị mới chiếm diện tích hơn 100 ha, tập trung chủ yếu tại Hà Đông, như khu đô thị mới Dương Nội Tập đoàn Nam Cường, khu đô thị mới Lê Trọng Tấn của Công ty cổ phần phát triển đô thị quốc tế Việt Nam, khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn của Công ty Geleximco, khu đô thị mới Nam An Khánh của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà, khu đô thị mới Bắc An Khánh của Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh, khu đô thị Thanh Hà A, khu đô thị Thanh Hà B của Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 5.v.v..

Những dự án này được hoàn thành không chỉ tạo ra nguồn cung lớn về nhà ở tại địa bàn mà có thể còn tạo ra sự cạnh tranh mạnh về giá cả, chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Theo nghiên cứu của Savills thì từ năm 2010 đến năm 2012, dự kiến sẽ có ít nhất 12.650 căn hộ đi vào hoạt động, trong đó 2.040 căn sẽ được tung vào thị trường sơ cấp trong quý 1/2010. Bên cạnh đó, còn có một lượng căn hộ chưa xác định được từ các khu đô  thị mới cũng sẽ cung cấp cho nguồn cung tương lai.  

Savill cho rằng, trong trung hạn nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam vẫn rất cao, đặc biệt là nhu cầu về các căn hộ hạng B và C có giá cả phù hợp với khả năng  thanh  toán của nhiều người sẽ vẫn cao hơn so với các căn hộ hạng A.  

Cụ thể, ở Từ Liêm sẽ tung ra  thị trường khoảng 6000 căn hộ, quận Cầu Giấy và Thanh Xuân có khoảng gần 4000 căn, quận Hoàng Mai sẽ cũng cấp cho thị trường trên 3000 căn, quận Đống Đa trên 2000 căn hộ...

Theo dự báo của Savills, trong quý 1/2010 sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào về giá căn hộ trên thị trường sơ cấp so với quý 4/2009. Thị trường thứ cấp có thể sẽ hoạt động tốt hơn do sự ra đời của Thông tư 02/2010/TT-BTC ngày 11/1/2010 của Bộ Tài Chính cho phép người nộp thuế được chọn thuế suất 25% trên lợi nhuận hoặc 2% giá trị hợp đồng trong các giao dịch bất động sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần