Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, khi cả nước đang hân hoan kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đâu đâu cũng vang lên lời ca ấy.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng  Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - Ảnh 1Ngày đại thắng của dân tộc, Bác Hồ không được chứng kiến, nhưng tinh thần “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” cùng tình cảm bao la với miền Nam ruột thịt của Người vẫn sống mãi cùng năm tháng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán đế quốc Mỹ sẽ sớm thay chân thực dân Pháp để hòng thôn tính Việt Nam. Sau khi nhận tin chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác rất bình tĩnh cho rằng: “Đây chỉ là chiến thắng bước đầu. Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Không khéo ta lại phải đánh nhau với Mỹ còn lâu dài, gian khổ đấy”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn kể về bức điện ông nhận được chiều ngày 7/5/1954 của Bác: “Thắng lợi tuy lớn nhưng chỉ bước đầu đấy!… còn phải đánh Mỹ…”. Sự thật, chỉ ít lâu sau, chúng ta lại phải tiếp tục chiến đấu chống Mỹ, chiến tranh ác liệt hơn, gian khổ, hy sinh lớn hơn rất nhiều so với chống Pháp và cuộc kháng chiến đã kéo dài tới hơn 20 năm, đúng như nhận định của Bác.

Bác Hồ, Đảng và Nhân dân ta không bất ngờ trước việc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Ngay tháng 3/1964, trước âm mưu của đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh và mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt tại Hà Nội. Người khẳng định: Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh đụng đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ bị thất bại thảm hại. Người kêu gọi đồng bào miền Bắc ra sức thi đua “mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Người đã thay mặt toàn dân thể hiện ý chí của toàn dân tộc ta sẵn sàng chiến đấu chống đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, để bảo vệ miền Bắc và chi viện tích cực cho cách mạng miền Nam.

Tháng 5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc. Đúng thời điểm này, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta bị thất bại hoàn toàn. Ngoan cố và liều lĩnh, đế quốc Mỹ đã ào ạt đưa quân đổ bộ vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, đồng thời mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đánh phá hủy diệt miền Bắc.

Vào cuối năm 1967, Bác dự báo: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua". Từ kinh nghiệm ở Triều Tiên, trước khi thua, Mỹ đã ném bom hủy diệt Bình Nhưỡng. Hiểu Mỹ, Bác đã chỉ lên bầu trời Hà Nội và dự báo sớm: "Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội". Thực tế đã diễn ra đúng như dự báo của Bác. Tháng 12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng với đủ loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc đó, kể cả pháo đài bay B52. Chỉ sau khi thất bại nặng nề trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ mới chịu ký kết Hiệp định Paris.

Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn dành cho cách mạng miền Nam và Nhân dân miền Nam sự quan tâm và những tình cảm thân thương nhất, bởi đồng bào và chiến sĩ miền Nam là những người phải chịu nhiều đau khổ, hy sinh mất mát trong công cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc. "Cố gắng giải phóng nhanh để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam", đó là niềm mong ước, nỗi khát khao và cũng là điều trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống.

Bước sang năm 1969, Bác đã 79 tuổi, nhưng khi gặp các đồng chí Phạm Hùng và Hoàng Văn Thái từ miền Nam ra Bắc họp (tháng 3/1969), Bác vẫn nhắc tới việc thu xếp để Người vào Nam. Tiếc rằng nguyện vọng đó chưa một lần thực hiện được thì Bác đã đi xa.

Cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thời điểm đó mặc dù còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng khả năng thắng lợi “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã thể hiện rõ. Trong bài thơ mừng Xuân 1969, Bác đã viết: “Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào. Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.

6 năm sau, điều đó đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, trước đó rất lâu, trong diễn văn tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1960 do Bác đọc, có đoạn: "Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà". Bác gạch dưới các chữ “chậm lắm là 15 năm nữa". Đúng 15 năm sau, mùa Xuân 1975, với thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta đi đến thống nhất, Nam Bắc một nhà như tiên đoán diệu kỳ của Bác.