Nhức nhối "bướm đêm" chốn đô thị

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đối với các địa bàn vốn là điểm nóng về tệ nạn mại dâm công cộng, công tác đấu tranh gặp khó khăn vì các đối tượng mại dâm có rất nhiều “thủ đoạn”.

KTĐT - Đối với các địa bàn vốn là điểm nóng về tệ nạn mại dâm công cộng, công tác đấu tranh cũng gặp khó khăn vì các đối tượng mại dâm có rất nhiều “thủ đoạn” đối phó với cơ quan chức năng.

Hình ảnh gái mại dâm bám theo chèo kéo, mời chào những người đàn ông đi đường một cách công khai, lộ liễu… không khó để bắt gặp.

Theo ghi nhận từ Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội), từ đầu năm đến nay, mặc dù các ngành chức năng của thành phố liên tục thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm ở cả địa bàn công cộng và trong các cơ sở dịch vụ nhưng tình hình tệ nạn mại dâm vẫn chưa giảm.

Đáng lưu ý là tại các tụ điểm mại dâm công cộng vẫn còn tình trạng gái bán dâm hoạt động công khai, đứng đường chào mời khách mua dâm, gây bức xúc trong dư luận. Có thể kể đến những tụ điểm hoạt động mại dâm vốn đã tồn tại khá lâu vẫn diễn ra phức tạp, công khai như: Trần Bình Trọng - Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội (quận Hoàn Kiếm), khu vực Trần Khánh Dư - Nguyễn Huy Tự - Cổng Bệnh viện 108, Vườn hoa Yesin (quận Hai Bà Trưng), đường Liễu Giai từ ngã ba Đào Tấn đến quận ủy Ba Đình, Hoàng Hoa Thám - Mai Xuân Thưởng (quận Ba Đình), đường Giải Phóng - Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai), địa bàn giáp ranh huyện Chương Mỹ, Quốc Oai... Đặc biệt ở một số tụ điểm như khu vực phố Tràng Tiền - Phạm Ngũ Lão - Dốc Bác Cổ (quận Hoàn Kiếm)... xuất hiện đội ngũ xe ôm kiêm bảo kê “chăn dắt” gái bán dâm đã  ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự nơi đây và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi những đối tượng này bỏ chạy khỏi sự  truy quét của cơ quan chức năng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Châu Giang - Phó Chi cục trưởng Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: trong 9 tháng đầu năm 2009, mặc dù thành phố đã có nhiều biện pháp mạnh để đối phó với tệ nạn mại dâm, trong đó đã tiến hành truy quét và xử lý trên 1.500 gái bán dâm, phá 115 vụ chứa mại dâm, môi giới mại dâm, xét xử 100 vụ án, 120 bị cáo liên quan đến tệ nạn mại dâm song hoạt động mại dâm tại các địa điểm công cộng hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Khi các lực lượng của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, làm mạnh thì các đối tượng mại dâm phân tán hoặc có thể ngừng hoạt động, nhưng khi hết đợt kiểm tra thì tình hình lại trở về như cũ.

Đối với các địa bàn vốn là điểm nóng về tệ nạn mại dâm công cộng, công tác đấu tranh cũng gặp khó khăn vì các đối tượng mại dâm có rất nhiều “thủ đoạn” đối phó với cơ quan chức năng. Rất nhiều đối tượng là gái bán dâm không còn đứng một chỗ mà sử dụng “phương tiện hành nghề” là xe máy, xe đạp như người tham gia giao thông nhằm che mắt chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn được sự “giúp sức” của lực lượng xe ôm, bán hàng lưu động tham gia cảnh giới phát hiện; khi có đoàn kiểm tra lập tức ra ám hiệu cho các đối tượng mại dâm “dạt” đi nơi khác.  Nhiều trường hợp, khi lực lượng công an ra quân truy quét, đưa về trụ sở kiểm tra thì gái bán dâm lại mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân, có chứng minh thư, giấy khai báo tạm trú, địa chỉ cụ thể có xác nhận đầy đủ. Thậm chí có trường hợp khi đưa đối tượng là gái bán dâm về trụ sở phường lập tức có người đưa trẻ con đến gọi mẹ đòi bú.

Theo quy định của Pháp luật đối với phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì không xử lý đưa đi cơ sở chữa bệnh nên những trường hợp này thường chỉ lập biên bản cảnh cáo rồi cho họ về. Đáng chú ý là một số trường hợp gái bán dâm nghiện ma túy sau khi đã lập hồ sơ đưa lên trung tâm nhưng do gái bán dâm mắc bệnh hiểm nghèo (có HIV -  đã được bệnh viện cấp quận, huyện xác nhận) nên theo chính sách họ cũng được miễn chấp hành cải tạo trong thời gian chữa bệnh còn lại, nhưng ngay sau khi xử phạt hành chính tha về, những đối tượng này lại tiếp tục ra đường bán dâm.

Ảnh minh họa
Chèo kéo khách công khai

Cũng theo ông Giang, hiện nay chính sách hỗ trợ cho công tác đấu tranh phòng chống mại dâm còn có nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống mại dâm được trích từ nguồn ngân sách địa phương chứ không phải chương trình mục tiêu quốc gia nên dù đã được các cấp chính quyền thành phố quan tâm song so với yêu cầu thực tế thì còn có nhiều bất cập. Đơn cử, cũng là việc truy quét các đối tượng tệ nạn xã hội nhưng nếu là đối tượng nghiện lang thang vì được hưởng định mức từ chương trình hành động quốc gia nên chế độ đãi ngộ cao hơn.

Trong khi đó đối với đối tượng mại dâm đòi hỏi chi phí phải nhiều hơn vì việc xác minh những người bán dâm phức tạp hơn do phần lớn gái mại dâm đều ở tỉnh lẻ về Hà Nội hoạt động (chiếm khoảng 70%). Ngoài ra, lực lượng làm công tác phòng chống mại dâm còn mỏng, ở cấp xã, phường thậm chỉ cả ở cấp quận, huyện mới chỉ có một cán bộ chuyên trách giúp việc ban chỉ đạo phòng chống các tệ nạn xã hội nên không thể chuyên tâm vào công tác phòng chống mại dâm.

Qua công tác đấu tranh phòng chống mại dâm, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã giảm được 6 tụ điểm mại dâm công cộng. Tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại những điểm nóng gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Để giải quyết được dứt điểm tình trạng này đòi hỏi cần phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng để công tác chống mại dâm không còn là chuyện riêng của một ngành nào.