Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường
Ngày 2/7, Công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã hoàn tất hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp sử dụng mạng xã hội phát tán video có nội dung bạo lực học đường nhưng không đúng bản chất của vụ việc, gây hoang mang dư luận.
Người bị xử lý là N.T.T. (sinh năm 1991, trú tại xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn) - chủ tài khoản Facebook "Duyên phận bỏ sỉ", đã đăng tải video clip nữ sinh trường THCS Hưng Thái Nghĩa đánh nhau vào ngày 15/6.
Khi đăng clip, chủ tài khoản Facebook này còn viết kèm nội dung bôi nhọ, hạ uy tín tập thể giáo viên nhà trường; phần bình luận của bài viết, bản thân chủ tài khoản và nhiều người đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người thân và bản thân các học sinh có liên quan vụ việc trong video.
Cần tạo được môi trường giáo dục thân thiện, an toàn để các em yên tâm học tập, rèn luyện. Ảnh: Chiến Công |
Việc đăng tải, chia sẻ các nội dung này có tác động tiêu cực đến nhận thức của nhiều người dùng mạng xã hội, nội dung kích động bạo lực gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em cần thiết ngăn chặn theo quy định tại Điều 29 Luật An ninh mạng 2018 quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nên Công an huyện Nam Đàn đã vào cuộc điều tra.
Trước đó, ngày 15/6, clip quay sự việc 3 nữ sinh trường THCS Hưng Thái Nghĩa đánh nhau được phát tán trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT Nam Đàn, sự việc bắt đầu từ xích mích giữa em Nguyễn Thị Thu H. và Nguyễn Thúc K. cùng học lớp 8C, trường THCS Hưng Thái Nghĩa.
K. nhiều lần dọa đánh và đã đánh H., vì vậy, H. đã nhờ một nhóm học sinh THPT đánh lại K. Trưa 8/6, một nhóm nữ sinh lớp 8C THCS Hưng Thái Nghĩa lên nhà gặp Nguyễn Thị Thu H. ở xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn). Tại đây, em Ngô Thị H. và Phan Thị Hoài G. đã đánh Nguyễn Thị Thu H., những bạn còn lại đứng ngoài xem, dùng điện thoại để quay video.
Mới đây, ngày 17/6, một clip được đăng tải lên mạng xã hội Facebook ghi lại cảnh một nữ sinh tại Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) bị bạn bắt nạt, lột quần áo ngay trong lớp học. Đáng chú ý, nhiều học sinh khác chứng kiến nhưng không can ngăn.
Theo chia sẻ này, sự việc xảy ra vào sáng 16/6, khi nhiều học sinh cùng bắt nạt một nữ sinh cùng lớp, và nữ sinh này bị lột đồ trước sự hò reo của nhiều bạn học đứng xung quanh, trong đó có cả các nam sinh. Công an thị xã Đông Triều đã vào cuộc, tiến hành gọi hỏi hai nhóm học sinh có ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cùng gia đình giám hộ; đồng thời, tập trung làm rõ người phát tán hình ảnh vụ việc lên mạng xã hội, phối hợp với an ninh mạng ngăn chặn việc phát tán.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Vũ Văn Hải cho hay, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường do gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan tâm, truyền tải những nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử; chưa chú trọng đến kỹ năng sống, đạo đức của học sinh, sinh viên; nhà trường chưa có biện pháp xử lý triệt để vấn nạn bạo lực học đường. Nhiều phụ huynh bận công việc, chưa dành nhiều thời gian cho con.
Trong khi đó, các em ở độ tuổi thanh thiếu niên có sự chuyển biến tâm lý, muốn khẳng định cái tôi của mình, nhưng khả năng kiềm chế lại kém. Cùng đó, do môi trường sống của các học sinh có nhiều bạn xấu, nhiều tệ nạn xã hội, nếu không quan tâm, chú ý sự chuyển biến tâm lý, các em dễ bị tác động xấu từ bên ngoài, dẫn đến nhận thức sai lầm về cách sống, hành động.
Giáo dục luôn phải gắn với chế tài và kỷ luật. “Muốn ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, ban giám hiệu, thầy cô giáo phải kịp thời khen thưởng, biểu dương những học sinh dũng cảm tố giác sai phạm; đồng thời, phê bình, xử lý nghiêm khắc đối với các vụ học sinh đánh nhau. Trong xử lý học sinh cá biệt, phải thực sự nghiêm khắc" - ông Vũ Văn Hải chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, pháp luật đã có các chế tài xử lý hành vi bạo lực học đường. Tùy theo mức độ, tính chất, hành vi mà hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi áp dụng các chế tài xử lý vi phạm, cần phải căn cứ vào độ tuổi của các em.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 5, Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý với hình thức xử phạt là cảnh cáo.
Hay như Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của bộ luật này (trong đó, Điều 134 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác).
Theo các chuyên gia, mặc dù quy định của pháp luật đã rõ, tuy nhiên, nhận thức của các em ở lứa tuổi thanh thiếu niên còn rất hạn chế. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ các em sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
"Muốn ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, ban giám hiệu, thầy cô giáo phải kịp thời khen thưởng, biểu dương những học sinh dũng cảm tố giác sai phạm; đồng thời, phê bình, xử lý nghiêm khắc đối với các vụ học sinh đánh nhau. Trong xử lý học sinh cá biệt, phải thực sự nghiêm khắc." - Trưởng phòng Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Vũ Văn Hải |