Những áp lực & hy vọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2013 qua đi như một trong những năm tạo áp lực lớn nhất và cũng đặt những khởi đầu hy vọng mới cho kinh tế Thủ đô.

Một mặt, những áp lực nổi bật là hụt thu khiến gia tăng mất cân đối Ngân sách Nhà nước (NSNN), nợ đọng XDCB và lượng DN gặp khó khăn, dừng hoạt động tăng đột biến, kéo theo nhiều hệ lụy an sinh xã hội, việc làm và thu nhập của người dân. Mặt khác, những hy vọng mới được khởi đầu từ việc Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013, TP đã chủ động cụ thể hóa và ban hành những cơ chế, chính sách được phân cấp quản lý từng bước hoàn thiện nền tảng pháp lý cần thiết cho phát triển và quản lý, tạo động lực và định hình một Thủ đô hiện đại trong tương lai.

Ghi nhận những kết quả khả quan

Xác định việc tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, năm 2013, bên cạnh thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, Hà Nội đã ban hành các Chương trình hành động và triển khai các giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hội chợ và giao lưu hàng hóa hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ vay vốn, lãi suất đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng; tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tạo môi trường minh bạch để các DN yên tâm hoạt động.

Những nỗ lực đó, cùng với sự chủ động của các DN, đã giúp kinh tế Thủ đô năm 2013 về cơ bản vẫn duy trì được động lực tăng trưởng khá ấn tượng, với mức tăng quý sau cao hơn quý trước và vẫn duy trì "phong độ" tăng cao hơn 1,5 lần mức trung bình cả nước cùng thời điểm so sánh. Tăng trưởng GDP của Thủ đô trong cả năm 2013 đạt 8,25%, đạt kế hoạch đề ra và cao hơn mức 8,12% năm 2012. Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn dần ổn định và thấp hơn năm 2012.

 
Dây chuyền sản xuất ống thép tại Công ty TNHH MTV Xuân Hòa. Ảnh: Quỳnh Oanh
Dây chuyền sản xuất ống thép tại Công ty TNHH MTV Xuân Hòa. Ảnh: Quỳnh Oanh
Công tác quy hoạch được triển khai tích cực. Cải cách hành chính ở các cấp có tiến bộ. Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Ùn tắc và tai nạn giao thông giảm dần nhờ những giải pháp hữu hiệu trong phát triển cơ sở hạ tầng, xử lý các nút giao thông khác mức và quản lý gắt gao. Văn hóa - giáo dục - y tế tiếp tục được quan tâm. Năm 2013, Hà Nội có 2.495 trường  giáo dục mầm non, tăng 61 trường so với năm học trước và chủ yếu là các trường ngoài công lập) và có 50 trường đào tạo chuyên nghiệp với tổng số 62.065 học sinh, 75 trường đại học và 53 trường cao đẳng, cao đẳng nghề (bao gồm cả các trường thuộc Bộ GD&ĐT và các trường thuộc bộ, ngành). Đến hết tháng 6/2013, có 236/401 xã đạt và cơ bản đạt 10 - 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó, 27 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 91 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí; 133 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2013, có 62 xã đạt tiêu chí NTM

Áp lực năm 2013

Theo Sở KH&ĐT TP Hà Nội, nợ XDCB của Hà Nội mới tính đến hết quý II/2013 đã là 3.246,9 tỷ đồng ở 2.243 dự án. Nghĩa là chỉ sau 3 năm, nợ đọng XDCB đã vượt hơn gấp 1,5 lần số nợ 2000 tỷ đồng được ghi nhận vào thời điểm trước mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008. Nhiệm vụ đầu tư đáp ứng yêu cầu mở rộng địa giới khiến nhu cầu về vốn đầu tư công tăng vọt là lẽ dĩ nhiên. Nhưng trách nhiệm để nợ XDCB tăng ngoài kiểm soát, như thừa nhận của lãnh đạo Sở KH&ĐT, thuộc về chủ đầu tư và các ngành chức năng vì buông lỏng quản lý, không tham mưu cho TP xử lý quyết liệt. Trong bối cảnh Thủ đô lần đầu tiên không đạt kế hoạch thu  NSNN năm 2013, trong phải đối diện với vấn đề kim ngạch xuất - nhập khẩu đều giảm, tổng lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và vận tải, dư nợ tín dụng và vốn đầu tư xã hội tăng thấp, nợ xấu tín dụng thương mại tăng cao hơn mức trung bình toàn ngành, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, khu, cụm công nghiệp vẫn bức xúc...

Năm 2013, kinh tế Hà Nội phát triển trong điều kiện khó khăn về thị trường, lãi suất vẫn khá cao, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khó khăn. Nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị trên địa bàn tạm dừng hoặc giãn tiến độ thực hiện do thiếu vốn và thị trường bất động sản trầm lắng. Theo một vài ước tính cập nhật, cả năm 2013 Hà Nội sẽ có thể có tới 12.000/140.000 DN (tức 9% tổng số DN) của Hà Nội dừng hoạt động. Điều này không chỉ gây hụt thu NSNN, giảm động lực tăng trưởng, mà còn kéo theo hàng ngàn người lao động bị thất nghiệp, gia tăng áp lực việc làm, thu nhập và an sinh xã hội cho Thủ đô. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, quản lý điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa quyết liệt; có nơi còn trì trệ, thiếu năng động, sáng tạo trong giải quyết công việc. Nhiều giải pháp cho năm 2014

Năm 2014 - Năm trật tự và văn minh đô thị - TP đã đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5 - 9%. Trong đó, ngành dịch vụ tăng từ 9,4 - 9,8%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,0 - 8,8%; nông nghiệp tăng 2,0 - 2,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 57,5 đến 58 triệu đồng. Thu ngân sách đạt hơn 126.000 tỷ đồng. Giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn 4,8%... Để đạt được những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2014, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện 9 chương trình công tác của Thành ủy, các biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, trong đó tập trung vào đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác; tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân. Tăng cường phân cấp trong quản lý đô thị và kinh tế - xã hội theo hướng rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ trách nhiệm. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, lãi suất vay vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng chủ lực, hàng thay thế nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn; bình ổn giá, kiểm soát thị trường, kiềm chế lạm phát. Huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước và xử lý nợ đọng thuế; tập trung đôn đốc thu nợ các khoản thuế quá hạn, nợ đọng, hạn chế nợ mới phát sinh, đấu tranh, phát hiện và xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi trốn thuế, chuyển giá, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế, kinh doanh tín dụng, ngân hàng, thương mại điện tử; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái… Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, lao động, việc làm. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế đi đôi với kịp thời chấn chỉnh, giải quyết những yếu kém, bất cập, bức xúc trong các lĩnh vực này. Tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường: Rà soát, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép; thu hồi các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng chậm triển khai, để hoang hóa. Kiên quyết xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, gắn với xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra các vi phạm. Mở rộng và nâng cao chất lượng xã hội hóa các dịch vụ đô thị, tập trung vào các lĩnh vực cấp nước sạch, vệ sinh môi trường; khắc phục có hiệu quả tình trạng chất lượng thi công một số tuyến hè chưa bảo đảm yêu cầu, mẫu mã thiếu thống nhất, chất lượng kém, chóng xuống cấp gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, điều hành chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, cả trong chi thường xuyên và chi đầu tư, phát triển.