Công việc chính của Tú Uyên (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) là làm trang trí trong các sự kiện. Vào các dịp lễ, Tết trong năm, đặc biệt là Tết Trung thu, công việc của Tú Uyên vô cùng bận rộn. Tú Uyên chia sẻ, với sở thích “bày vẽ”, khoảng 6 năm trước, cô bắt đầu bán online những món đồ tự tay làm.
Ban đầu là những chiếc mặt nạ đơn giản, sau đó đến những món đồ cầu kỳ hơn, như: Làm đèn ông sao, đèn lồng,... Dần dần, cô tìm tòi, học cách biến hoa quả vô tri, vô giác thành những con vật có đầy đủ mắt, mũi, tay, chân. Tất cả đều được góp mặt trong mâm cỗ Trung thu hiện nay, vừa truyền thống, vừa hiện đại.
Tú Uyên chia sẻ, chị không phải mất tiền vào việc quảng cáo mâm cỗ Trung thu của mình, bởi khách hàng của chị đa phần là những khách hàng quen thuộc, tin tưởng và giới thiệu cho nhau.
Mâm cỗ Trung thu mà Tú Uyên nhận trang trí có hơi hướng cổ truyền. Thành phần trong mâm cỗ không thể thiếu những thức quả đặc trưng của mùa thu, như quả bưởi, hồng, thị, lựu,... Ngoài ra, Tú Uyên cũng lựa chọn những quả dễ tạo hình khác như: Dưa hấu, dứa,... giúp mâm cỗ Trung thu trở nên đặc biệt và sinh động hơn.
Theo Tú Uyên, để có một mâm cỗ Trung thu đẹp mắt, việc lựa chọn hoa quả để tạo hình trên mâm cỗ cũng cần đặc biệt chú ý. “Ví dụ, để tạo hình chó bông từ bưởi, mình cần chọn những quả bưởi có múi to đều nhau, tép bưởi tơi, không bị khô cũng không quá ướt. Ngoài ra, mình cần đu đủ để làm thân và quả cam để làm đầu chú chó” - Tú Uyên chia sẻ.
Có trong tay 5 năm kinh nghiệm làm công việc trang trí mâm cỗ Trung thu, Thùy Minh (La Khê, Hà Đông), những ngày này, cũng đang phải chạy đua với thời gian. “Làm mâm cỗ Trung thu là nghề tôi rất đam mê. Vào mỗi mùa Trung thu, cả nhà tôi đều tập trung làm, gần như mọi người thức trắng đêm để kịp đơn hàng cho khách” - Thùy Minh nói.
Theo Thùy Minh, 2 năm Covid-19 vừa qua, các hoạt động vui chơi Trung thu gần như phải tạm hoãn. Năm nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học tổ chức Tết Trung thu trở lại. Bởi vậy, số lượng đơn đặt hàng mâm cỗ Trung thu mà chị nhận được trong dịp này là vô cùng lớn.
Thùy Minh chia sẻ, mỗi mâm cỗ Trung thu sẽ có giá khác nhau, tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách. Thông thường, các mâm cỗ mà chị nhận làm sẽ có giá dao động từ 3 - 5 triệu đồng. Đối với những mâm cỗ lớn, đòi hỏi nhiều nguyên liệu và sự cầu kỳ, hoành tráng, giá có thể lên đến hơn mười triệu đồng.
“Để hoàn thiện một mâm cỗ lớn thường mất khoảng 2 ngày. Từ việc chọn hoa quả, cắt tỉa, tạo hình cho đến việc trang trí mâm cỗ. Đối với công đoạn cắt tỉa tạo hình từ hoa quả, tôi có thể làm trước từ ở nhà, sau đó, mang đến địa điểm đặt mâm cỗ để trang trí cho phù hợp” - chị bật mí.
Giống như Tú Uyên, Thùy Minh làm mâm cỗ Trung thu cũng theo hướng cổ truyền, bởi vậy, chị cố gắng tận dụng hết tất cả nguyên liệu của tự nhiên để làm các con vật cho sinh động. “Mắt các con vật màu đen thì tôi thường dùng hột nhãn gắn lên và có thể dùng quả ớt làm lưỡi cho chú chó. Bên cạnh đó, tôi còn dùng giấy kim tuyến để trang trí cho mâm cỗ Trung thu trở nên sinh động và bắt mắt hơn” - Thùy Minh cho biết.
Với một mâm cỗ Trung thu truyền thống, ngoài hoa quả ra, không thể thiếu bánh nướng và bánh dẻo. Để giúp mâm cỗ Trung thu do mình trang trí trở nên độc đáo hơn, chị Nguyễn Thu Hương (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) đã “thổi hồn” vào những chiếc Trung thu bằng cách tạo hình các con vật ngộ nghĩnh cho những chiếc bánh. Ngoài ra, mâm cỗ Trung thu của chị cũng chú ý trang trí thêm một số đồ chơi truyền thống như tò he, đầu lân, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao,... Điều này khiến mâm cỗ trở nên bắt mắt và ấn tượng với các bạn nhỏ.
Dẫu cho các mâm cỗ Trung thu này được sáng tạo vô cùng độc đáo, tuy nhiên, tất cả vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có.