Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những bất cập về bảo hiểm xã hội khiến người lao động thiệt thòi, DN mệt mỏi

Đoàn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị đối thoại với khoảng 400 DN trên địa bàn TP. Hội nghị nhằm lắng nghe và giải đáp những vướng mắc, khó khăn cho cộng đồng DN.

Nhiều DN bức xúc trước tình trạng bất cập, máy móc, quy trình thủ tục chồng chéo, nhiêu khê trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế của cơ quan BHXH, khiến cho người lao động thiệt thòi, DN mệt mỏi.
Toàn cảnh buổi đối thoại
Thủ tục cứng nhắc, quy trình rườm rà
Chị Nguyễn Hồng Hà - Phụ trách nhân sự Công ty FAPV thắc mắc: Trung bình mỗi tháng DN ký hợp đồng lao động với khoảng 100 - 200 lao động mới và phải làm thủ tục đóng BHYT. Trong đó, đối với những lao động đã tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình trước đây, cơ quan bảo hiểm yêu cầu phải về địa phương đã tham gia BHYT tự nguyện cắt danh sách thì mới cấp thẻ mới tại nơi làm việc. Tuy nhiên, khi về địa phương nơi tham gia BHYT hộ gia đình xin cắt danh sách thì được yêu cầu phải có thẻ BHYT bắt buộc tại nơi làm việc mới được cắt. Như vậy, người lao động phải làm như thế nào?
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần ô tô Thiên Thanh phản ánh: Hiện công ty (tại Quận 11) tham gia đóng BHYT cho người lao động thì có 1 người lao động tham gia BHYT hộ gia đình ở Phường 2, Quận 10, sau khi đến phường cắt BHYT hộ gia đình thì tại phường không chấp nhận hợp đồng lao động của người lao động mà yêu cầu người lao động phải có thẻ BHYT bắt buộc tại cơ quan BHYT Quận 11 thì mới chấp nhận cắt BHYT hộ gia đình.
Lúc người lao động quay về BHXH thì nhận câu trả lời phải cắt BHYT hộ gia đình thì mới in.
Việc cấp thẻ BHYT bắt buộc cho người lao động bị kéo dài, trong khi tiền tham gia BHYT vẫn đóng bình thường. Vậy với trường hợp này, người lao động gặp sự cố gì thì trách nhiệm đó ai chịu?
Nhiều vướng mắc cần giải quyết cấp bách
Tại buổi đối thoại, DN thẳng thắn: Vấn đề chúng tôi quan tâm là cách giải quyết của cơ quan BHXH là như thế nào? Mối quan hệ của cơ quan BHXH với cơ quan BHXH tỉnh, chúng tôi không đủ thẩm quyền can thiệp quy trình xử lý công việc của các đơn vị.
Nhưng chúng tôi lại có mối quan hệ với người lao động trực thuộc công ty chúng tôi và hai câu hỏi luôn đi theo đó là tôi đóng tiền rồi sao không cấp thẻ cho tôi? Không cấp thẻ thì tôi không đi khám bệnh được và lúc đó chi phí sẽ rơi vào ai?
DN kiến nghị, đối với những trường hợp trùng thẻ BHYT, trong hệ thống quản lý thẻ BHYT hộ gia đình và BHYT bắt buộc nên tự động cắt trước, rồi cấp cho người lao động thẻ BHYT bắt buộc trước. Còn việc hồi tố lại các mối quan hệ giữa tỉnh và TP, cơ quan BHXH TP nên giúp DN vấn đề này. Người lao động phổ thông ở tỉnh chi phí trả cho việc đi lại giải quyết giấy tờ là khá tốn kém, gây thiệt thòi cho người lao động mà chỉ vì do lỗi ở mối quan hệ giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước gây ra.
Doanh nghiệp quan tâm cách giải quyết của cơ quan BHXH.
Giải thích những thắc mắc trên, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu cho biết, trong quá trình thực hiện, BHXH TP thấy điều này bất cập và đã nhiều đề nghị cấp trên có cách xử lý uyển chuyển hơn, không nên cứng nhắc như hiện nay. Ví dụ, khi phát hiện người lao động trùng thẻ bảo hiểm y tế thì trên hệ thống tự động dừng thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình và BHXH tiếp tục cấp thẻ BHYT bắt buộc.
Đối với trường hợp của công ty FAPV, cách xử lý của phòng tiếp nhận và quản lý hồ sơ của BHXH TP dẫn đến việc đi lòng vòng của DN, “tôi xin tiếp thu ý kiến này và sau buổi đối thoại hôm nay sẽ về làm việc lại với phòng tiếp nhận và quản lý hồ sơ nắm lại tình hình”.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng phòng Quản lý thu (BHXH TP Hồ Chí Minh): Hiện nay, thực hiện mã số BHXH thì mỗi người được cấp một mã số và ghi nhận quá trình tham gia BHYT. Còn từ năm 2017 trở về trước, mã BHYT sẽ thay đổi mỗi lần gia hạn.
Từ năm 2018, khi thực hiện mã số thì mã số BHXH lên thì nếu một người, cùng một lúc tham gia BHYT nhiều nơi thì phần mềm BHXH Việt Nam chặn không cho in thẻ BHYT cho người lao động, chứ không phải BHXH TP không muốn in.
"Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần vấn đề này nhưng vẫn chưa mở ra được nên về mặt thực tế tại TP đang xử lý là phối hợp với các quận để cắt giảm BHYT hộ gia đình cho người lao động để in thẻ BHYT bắt buộc cho người lao động.
Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để làm sao khi người lao động tham gia BHYT bắt buộc là được in thẻ ngay. Trong trường hợp, doanh nghiệp đã đóng BHYT cho người lao động mà vì lý do nào đó cơ quan BHXH chưa cấp thẻ nếu có phát sinh sự cố với người lao động thì cơ quan BHXH chịu, cụ thể là quỹ BHYT phải chịu”, ông Thanh khẳng định.