Những bệnh trẻ dễ mắc khi thời tiết chuyển mùa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dịp Tết, thời tiết thay đổi thất thường, các bậc cha mẹ cần lưu ý phòng tránh bệnh và xử trí tại nhà khi trẻ mắc bệnh. Dưới đây là một số bệnh trẻ dễ mắc trong dịp Tết.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, thời tiết thay đổi thất thường nhất là vào nửa đêm gần sáng, không khí lạnh và khô dễ làm cho niêm mạc đường hô hấp như niêm mạc mũi, hầu họng khô lạnh. Niêm mạc đường hô hấp không được sưởi ấm hay làm ẩm do các mạch máu nuôi niêm mạc bị co lại do lạnh, giảm tưới máu thích hợp tới niêm mạc nên trẻ em nhất là trẻ nhỏ thường hay bị bệnh cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản, hen suyễn...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Dưới đây là một số bệnh trẻ thường mắc khi thời tiết chuyển mùa:

Cảm lạnh: Gây ra ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, sợ lạnh, toàn thân khó chịu.

Viêm mũi: Ban đầu trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi từng tràng hoặc từng cái một, nặng đầu, đau mỏi chân tay. Trẻ có thể sốt 38-39độ C. Ban ngày thì nằm lịm, ban đêm thì quấy khóc bắt mẹ phải bế luôn trên tay. Nếu ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi, mũi dễ bị tắc do lỗ mũi rất nhỏ, trong khi đó trẻ lại chưa có thói quen thở bằng miệng nên rất dễ bị khó thở, trẻ quấy khóc, có hiện tượng co kéo ở hõm trên xương ức và trên xương đòn. Hai hốc mũi trẻ sưng huyết đỏ và ứ đọng nhiều dịch. Trẻ bú khó khăn do 2 mũi trẻ bị nghẹt.

Viêm amiđan: Trẻ bị viêm amiđan cấp sẽ sốt cao từ 39-40độ C, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi. Có khi trẻ bị nổi hạch góc hàm phản do amiđan sưng to. Viêm amiđan rất dễ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.

Viêm họng cấp: Là bệnh thường xảy ra vào mùa đông, mùa lạnh gặp cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng. Trẻ ăn bú kém vì đau họng.

Viêm phế quản: Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết, hoặc bị viêm họng, viêm mũi... Nhiều trường hợp trẻ chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ vài cái, vẫn chơi và ăn uống bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, dễ dẫn đến biến chứng bội nhiễm vi trùng gây viêm phế quản phổi, viêm phổi nặng rất nguy hiểm cho trẻ.

Hen phế quản:  Thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như có bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa... Khi thời tiết trời trở lạnh, dòng khí trẻ hít vào không được sưởi ấm và làm ẩm tốt, đường thở trẻ dễ bị co thắt, tiết dịch làm trẻ lên cơn khó thở. Khó thở là biểu hiện điển hình, có thể có phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, rút lõm ngực, tiếng thở khò khè, môi tím, vẻ mặt sợ hãi. Nhiều trường hợp khó thở cấp tính cần xử trí cấp cứu kịp thời.

Viêm thanh quản cấp: Thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi, với biểu hiện sốt nhẹ, khàn tiếng, ho ong ỏng, thở vào có tiếng rít. Trẻ có thể khó thở vào chiều tối về sáng, có thể diễn tiến đến suy hô hấp nặng, cần điều trị tích cực.

Viêm xoang: Thường gặp ở trẻ lớn, trẻ có thể sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, khó chịu.

Bệnh sốt xuất huyết: Bệnh hay gặp ở trẻ em, biểu hiện sốt cao đột ngột và liên tục (39-40độ C) trong vòng 2-7 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da mọc thành từng đám rải rác, có thể xuất huyết ở niêm mạc mũi, miệng, nướu răng,...

Bệnh tay chân miệng: Thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát. Trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, có thể tiêu chảy vài lần trong ngày, nổi vết loét trong miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, có thể ở mông, gối. Trẻ có thể giật mình, sốt cao, nôn ói, run chi, loạng choạng, đảo mắt, li bì,... là những dấu hiệu cảnh báo biến chứng nặng có thể xảy ra ở trẻ.

Phòng ngừa bệnh cho trẻ

Để phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo hơn, tránh nhiễm lạnh, giữ ấm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Không để trẻ ra nơi lạnh, có gió, ban đêm đi ngủ phải chú ý cho trẻ mang vớ, mũ len và không nằm nơi có gió lùa. Khi thời tiết thay đổi (quá nóng hoặc quá lạnh) hoặc thay đổi đột ngột sẽ làm giảm đáng kể đề kháng cơ thể của trẻ. Vì thế trẻ dễ nhiễm bệnh hơn. Phụ huynh khi chở bé ngoài đường vào sáng sớm hoặc chiều tối nên chú ý giữ ấm bằng cách mặc đủ ấm, đeo khẩu trang. Phụ huynh nên sử dụng quạt máy, máy lạnh hợp lý để bé không bị nóng nhưng cũng không bị tác hại từ việc sử dụng quạt máy, máy lạnh không đúng cách. Đối với trẻ sơ sinh không nên lạm dụng quạt máy, máy lạnh. Không nên mặc quần áo quá chật rồi cho trẻ nằm máy lạnh, dễ nhiễm lạnh nhiều hơn.

Cần vệ sinh ăn uống và răng miệng cho trẻ thường xuyên, để tránh nhiễm trùng. Hơn nữa, thói quen ngoáy mũi và bú tay của trẻ cần được khắc phục triệt để. Dinh dưỡng thích hợp gồm đủ bốn nhóm thức ăn là rau quả, ngũ cốc, chất béo, đạm, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật. Nên uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh, kem, đá,...

Tránh tiếp xúc nguồn bệnh: Trẻ càng nhỏ sức đề kháng yếu nên khả năng lây bệnh càng cao, do đó không nên đưa trẻ đến những nơi đông đúc. Cần tránh cho trẻ, nhất là dưới 24 tháng tuổi, tiếp xúc gần gũi với người lớn và trẻ lớn đang bị cảm ho dù là thông thường. Lưu ý bỏ thói quen hôn hít nựng trẻ nhiều vô tình lây bệnh đường hô hấp cho trẻ nhất là trẻ nhũ nhi.

Rửa tay rất quan trọng phòng ngừa lây bệnh: Các bậc phụ huynh nên chú ý việc rửa tay cho trẻ. Rửa tay phòng được nhiều bệnh, trong đó có bệnh hô hấp. Gần đây nhất người ta đã chứng minh được việc này rất hữu hiệu trong phòng bệnh viêm tiểu phế quản. Trong viêm phổi, nếu áp dụng tốt biện pháp rửa tay sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra rửa tay cũng là biện pháp hữu hiệu phòng lây bệnh tay chân miệng.

Tiêm chủng phòng bệnh:  Các bậc cha mẹ nên nhớ đưa trẻ đi tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm các vắcxin khác để bảo vệ trẻ, giúp tránh những nguyên nhân bị nhiễm trùng hô hấp nặng. Trẻ mắc một số bệnh mãn tính nên tiêm chủng thêm văcxin phòng ngừa cúm và phế cầu (ở trẻ trên 2 tuổi).

Riêng trẻ bị hen suyễn: giữ ấm trẻ, tránh các yếu tố khởi phát như khói thuốc lá, bụi nhà, thuốc xịt phòng, chó mèo, thú nhồi bông,... và thực hiện phun khí dung hay xịt thuốc phòng ngừa cơn theo hướng dẫn của bác sĩ, cũng như tái khám định kỳ theo hẹn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần