Những bộ phận nào trên ô tô cần phải kiểm tra thường xuyên?

Lan Anh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ô tô có rất nhiều các bộ phận và linh kiện với mức độ phức tạp khác nhau. Điều hòa, lốp xe, nước làm mát, cần gạt mưa,... là những bộ phận đòi hỏi người lái kiểm tra tại nhà thường xuyên để đảm bảo một chuyến đi an toàn, thoải mái.

Lốp xe

Lốp xe tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, mang trên mình trọng lượng của cả chiếc xe, vì vậy việc đảm bảo rằng lốp xe luôn ở trong điều kiện tốt nhất là rất quan trọng. 

Lốp xe quá non có thể làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu, trong khi đó, lốp xe quá căng có thể làm giảm độ bám đường và thậm chí có thể gây nổ lốp khi lái xe ở tốc độ cao. Hãy tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để duy trì áp suất lốp phù hợp. 

Hiện nay, các mẫu xe hiện đại còn trang bị thêm cả hệ thống giám sát áp suất lốp, sẽ cảnh báo cho lái xe biết khi áp suất lốp quá cao hoặc quá thấp bằng cách bật đèn cảnh báo trên bảng điều khiển. 

Các bạn cũng nên kiểm tra độ mòn của lốp thường xuyên. Nếu lốp xe mòn bất thường, đó có thể là dấu hiệu của độ chụm bánh xe bị sai lệch.

Những bộ phận nào trên ô tô cần phải kiểm tra thường xuyên? - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Hệ thống điều hoà

Điều hòa ô tô là bộ phận không thể thiếu và được sử dụng liên tục khi trời nắng nóng, do đó việc kiểm tra và bảo dưỡng điều hòa là cực kỳ quan trọng, ngay khi hệ thống này vẫn hoạt động bình thường vào đầu hè.

Thông thường, xe cần được kiểm tra lượng ga làm mát, dầu bôi trơn của máy nén khí (lốc điều hoà); kiểm tra quạt gió, bộ lọc gió điều hoà để làm sạch, sửa chữa hoặc thay thế nếu cần.

Ngoài ra, lái xe cũng kiểm tra hiện trạng dàn nóng, dàn lạnh trên xe. Nếu có bị bụi bẩn sau một thời gian sử dụng thì nên làm sạch các bộ phận này để hệ thống điều hòa làm mát nhanh và sâu, đồng thời giúp tiết kiệm nhiên liệu cho xe.

Đệm/má phanh

Một bộ phận ô tô khác mà bạn có thể tự kiểm tra tại nhà là đệm phanh hay còn gọi là má phanh. Đệm phanh mới rất dày, nhưng sau quá trình sử dụng sẽ mòn dần, ảnh hưởng đến khả năng dừng một cách an toàn của xe.

Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy đệm phanh khi tháo la-zăng bánh xe, vì vậy có thể theo dõi tình trạng của bộ phận này. Ngoài ra, bạn cũng nên coi chừng các tiếng ồn lạ mỗi khi đạp chân phanh và lưu ý nếu như ô tô của bạn mất nhiều thời gian để dừng lại.

Dầu nhớt động cơ

Dầu nhớt chính là mạch máu của động cơ. Nó có tác dụng bôi trơn các bộ phận kim loại chịu áp lực lớn và nhiệt độ cao của động cơ, làm giảm ma sát từ đó giúp cho động cơ hoạt động một cách trơn tru. 

Với vai trò quan trọng như vậy, việc đảm bảo động cơ ô tô luôn có lượng dầu nhớt phù hợp là rất cần thiết. Qua thời gian, độ nhớt của dầu nhớt sẽ giảm đi và sẽ không còn đảm bảo khả năng bôi trơn động cơ nữa.

Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra tình trạng dầu nhớt tại nhà. Theo kinh nghiệm của những người dùng ô tô, cần đảm bảo rằng khi động cơ nguội, mức dầu không thấp hơn “min” và khi động cơ nóng dầu không được cao hơn mức “max”. Bên cạnh đó, hãy quan sát màu sắc dầu bám trên đầu que thăm dầu. Nếu dầu vẫn giữ màu vàng mật hay màu hổ phách là dấu hiệu tốt.

Nước làm mát

Nước làm mát cho xe ô tô là dung dịch có tác dụng 'giải nhiệt' cho động cơ xe hơi, giúp cho 'trái tim' của xe hoạt động tốt nhất. Đây là loại dung dịch quan trọng mà các tài xế phải thường xuyên kiểm tra. Nếu bình nước làm mát cạn, động cơ xe ô tô sẽ bị nóng dẫn đến nguy cơ cháy kích nổ.

Khi kiểm tra lượng nước làm mát ô tô, bạn cần đảm bảo mực nước làm mát trong bình nước phụ luôn nằm ở giữa vị trí “Full’ và “Low” hoặc “Max” và “Min”. Ngoài ra, nếu như điều hòa bỗng làm mát kém so với bình thường thì đây cũng có thể là một dấu hiệu bạn cần bổ sung nước làm mát.

Bộ lọc không khí

Bộ lọc không khí đóng vai trò như lá phổi của xe ô tô, có chức năng lọc không khí mà động cơ xe hấp thụ bằng cách ngăn bụi bẩn và những chất độc hại khác xâm nhập vào động cơ. 

Bộ lọc không khí bị tắc nghẽn sẽ có ảnh hưởng xấu đến quá trình đốt trong của động cơ, dẫn đến tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn, giảm công suất động cơ hay thậm chí là làm hỏng động cơ. 

Để kiểm tra bộ lọc không khí, hãy đưa bộ phận này ra trước ánh sáng mặt trời. Nếu như có ánh sáng mặt trời chiếu qua, thì chứng tỏ rằng bộ lọc không khí vẫn còn sạch. Còn nếu không thì đã đến lúc thay nó rồi đấy.

Ống dẫn và kẹp

Ống dẫn có vai trò vận chuyển các chất lỏng quan trọng ví dụ như dầu nhớt, nước làm mát, dầu phanh. Các ống thường có vị trí ở những nơi khó tiếp cận, vì vậy kẹp được sử dụng để giữ cho chúng không bị tung ra.

Bạn nên thường xuyên kiểm tra ống dẫn để tránh dấu hiệu nứt gãy, có thể dẫn đến rò rỉ. Kẹp cũng cần thường xuyên kiểm tra và siết chặt lại nếu cần thiết.

Ắc quy ô tô

Ắc quy ô tô là trái tim của cả hệ thống điện trên xe, giúp đèn ô tô phát sáng, vận hành hệ thống điều hòa và giải trí của ô tô. Dấu hiệu của ắc quy có vấn đề là xe khởi động chậm, đèn phát sáng yếu và đèn báo kiểm tra động cơ liên tục phát sáng trên bảng điện tử. 

Bạn có thể dễ dàng sử dụng một chiếc vôn kế để kiểm tra ắc quy ô tô và nhớ thường xuyên lau các đầu ắc quy vì chúng có thể bị ăn mòn trong quá trình sử dụng. Hãy đảm bảo rằng ắc quy ô tô luôn ở trong điều kiện tốt nhất.

Cần gạt mưa, nước rửa kính

Cần gạt mưa là bộ phận không thường xuyên làm việc nhưng nếu có mưa bão bất chợt thì đây là chi tiết rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn và sự an toàn khi lái xe.

Lưỡi gạt mưa làm bằng cao su hoặc nhựa dẻo cũng rất dễ hư hỏng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, do đó cần thường xuyên kiểm tra bộ phận này. Nếu gạt mưa mà có cảm giác không sạch, để lại vệt vòng trên kính lái hoặc có tiếng kêu "cọt kẹt" bởi ma sát giữa lưỡi gạt và kính thì bạn nên thay một lưỡi gạt mới.

Ngoài ra, vào mùa hè cung cần chú ý đến nước rửa kính bởi dung dịch này không chỉ có tác dụng bôi trơn cho lưỡi gạt, giúp gạt nước và bụi bẩn sạch hơn mà còn có tác dụng giảm nhiệt cho bề mặt kính lái. Nước rửa kính nên được bổ sung bằng dung dịch chuyên dụng để đảm bảo gạt mưa hoạt động tốt nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần