Những “bông hồng” phá án

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là phái yếu, nhưng các nữ trinh sát trong ngành công an khi xung trận hay đối mặt với ...

Kinhtedothi - Là phái yếu, nhưng các nữ trinh sát trong ngành công an khi xung trận hay đối mặt với các tình huống nguy hiểm cũng mạnh mẽ, quyết đoán không kém phái mạnh. Chuyện phá án của các nữ trinh sát cũng có cả mồ hôi, nước mắt, cải trang mật phục và thú vị không kém gì các đồng nghiệp nam”.

Đó là những đánh giá, ghi nhận của Đại tá Bùi Văn Đại - Trưởng Công an quận Đống Đa về các nữ trinh sát phá án của quận nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

7 năm phá án ma túy

Thượng úy Bùi Thị Hạnh, công tác tại Công an quận Đống Đa đã 7 năm. Là phụ nữ, nhưng chị lại làm trong lĩnh vực vô cùng phức tạp: Phòng, chống tội phạm ma túy. 7 năm làm việc là ngần ấy năm chị gắn bó với mảng công tác điều tra này. Năm 2008, ngày đầu tiên đi làm, chị đã được giao nhiệm vụ bắt giữ một nữ đối tượng buôn bán trái phép chất ma túy. Chị nhớ lại, tối hôm ấy, chị cùng một đồng đội nam đóng giả thành một đôi tình nhân vừa đi bộ vừa tâm sự gần khu vực được mật báo là đối tượng sẽ giao dịch. Chị và đồng đội phải lòng vòng quanh khu vực được cho là đối tượng xuất hiện, để bắt quả tang khi chúng giao hàng. Đã quá nửa đêm, đối tượng vẫn chưa có dấu hiệu giao dịch, các trinh sát đã bắt đầu lo, nhưng vẫn kiên trì theo dõi không để lộ bất kỳ sơ hở nào để tránh đối tượng nghi ngờ, có thể làm hỏng kế hoạch. Đến gần 1 giờ sáng, ngay trên đường đi của mình, đối tượng đã thực hiện hành vi buôn bán trái phép ma túy. Ngay lập tức, các trinh sát ập vào khống chế đối tượng và khám xét, đưa về cơ quan điều tra xử lý. 

Những ngày đầu đi làm đã ghi dấu ấn với Thượng úy Bùi Thị Hạnh như thế. Sau này, trong quá trình công tác, Thượng úy Bùi Thị Hạnh tiếp tục được giao nhiệm vụ cải trang và khống chế các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, chủ yếu là các đối tượng nữ để có thể khám xét người đối tượng thuận lợi hơn. Chị chia sẻ, khi đóng vai để theo dõi hay bắt giữ đối tượng, nữ trinh sát thường có lợi thế hơn, bởi nếu "cánh mày râu" mà ngồi với nhau tại một chỗ thì rất dễ khiến đối tượng nảy sinh nghi ngờ. Nhưng nếu là phụ nữ thì uống cốc café, ngồi tán chuyện hàng giờ đồng hồ thì cũng không có gì là ngạc nhiên.

Phàm đã là lính ma túy thì các trinh sát luôn xác định đây là công việc nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng. Các đối tượng ma túy thường rất manh động, sử dụng vũ khí "nóng" nên việc bắt giữ rất gian nan. Hình phạt với hành vi buôn bán trái phép ma túy cũng rất nặng, thấp nhất là 2 năm đến cao nhất là tử hình, nên khi bị bắt, các đối tượng thường chống trả rất quyết liệt, thậm chí quyết "một mất một còn" với lực lượng Công an. Chưa kể đến việc các chiến sĩ có thể bị phơi nhiễm HIV nếu trong lúc làm nhiệm vụ với đối tượng nhiễm HIV xảy ra xước xát, chảy máu. Vì vậy, điều khó khăn nhất của công việc này là luôn đảm bảo an toàn khi tham gia nhiệm vụ. 

 
Thượng úy Bùi Thị Hạnh (trái) và Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy trao đổi nghiệp vụ.
Thượng úy Bùi Thị Hạnh (trái) và Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy trao đổi nghiệp vụ.
Khó khăn là thế, song Thượng úy Bùi Thị Hạnh không hề dao động, "bám" đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Đống Đa đã hơn 7 năm nay và chưa từng chuyển qua công tác khác. Quận Đống Đa là địa bàn rộng, hiện vẫn còn một số điểm nhức nhối về tệ nạn ma túy nên khối lượng công việc rất lớn. Trung bình cả đội phải giải quyết khoảng 300 vụ án ma túy/năm. Số vụ Thượng úy Bùi Thị Hạnh đã từng tham gia, chính chị cũng không nhớ được hết. 

Công tác trinh sát tại đội ma túy khiến Thượng úy Hạnh trở nên quá quen thuộc với nghiệp vụ đóng vai, ngụy trang, theo dõi đối tượng. Thậm chí, đây là một trong những nghiệp vụ rất quan trọng trong công tác phá án nhằm nắm được quy luật hoạt động của đối tượng để kịp thời bắt quả tang. Gần đây nhất, cuối năm 2014, chị đã cùng đồng đội bắt giữ 2 ổ nhóm gồm 8 đối tượng chuyên cung cấp ma túy đá cho các quán bar, karaoke và các nhà nghỉ trên địa bàn TP, thu giữ 2kg ma túy đá, 7kg cần sa, gần 1.000 viên thuốc lắc, 1 súng K54 và 1 viên đạn. Đây là ổ nhóm ma túy lớn, hoạt động trên nhiều tỉnh, thành và có sử dụng vũ khí "nóng". Để bắt giữ được ổ nhóm này, chị Hạnh và đồng nghiệp đã phải mật phục, theo dõi đối tượng trong một thời gian để đảm bảo nắm được thời điểm và địa điểm giao hàng của đối tượng… Kết quả, sau nhiều ngày, Thượng úy Hạnh đã bắt quả tang đối tượng Lê T.A. tại một khách sạn trên phố Giảng Võ khi đang tàng trữ một số lượng lớn ma túy. Khai thác từ đối tượng, Hạnh và đồng đội đã lần ra kẻ chủ mưu đứng đằng sau đường dây buôn bán ma túy "khủng" này.

Ngoài nghiệp vụ trinh sát, một công việc không thể thiếu là khai thác thông tin từ đối tượng, bởi nếu khai thác tốt, từ đây có thể lần ra các manh mối quan trọng để phá những vụ án lớn, tội phạm hoạt động theo ổ nhóm, đường dây. Thượng úy Bùi Thị Hạnh chia sẻ, đối tượng có liên quan đến ma túy thường là những đối tượng ngang ngạnh, chối tội tới cùng. Vì vậy, cán bộ chiến sĩ điều tra phải tác động, làm cho đối tượng phải "tâm phục khẩu phục" mà thành khẩn khai báo. Cách đây chưa lâu, vào năm 2011, Thượng úy Bùi Thị Hạnh bắt giữ được đối tượng T. về hành vi buôn bán ma túy trái phép. Đối tượng này có hiểu biết về pháp luật và rất "cứng đầu". Tuy nhiên, sau khi nắm được hoàn cảnh gia đình T. đã ly dị vợ, có 2 con nhỏ và bố mẹ già, chị Hạnh đã kiên trì thuyết phục, đánh vào tâm lý của đối tượng về trách nhiệm với con cái, cha mẹ, rằng nếu thành khẩn sẽ được pháp luật khoan hồng, sớm trở về với gia đình, khiến đối tượng bị quy phục, sau đó đã thành khẩn khai báo.

Án càng khó, càng “say” nghề

Khác với Thượng úy Bùi Thị Hạnh, Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy lại chuyên về điều tra, phòng chống tội phạm về kinh tế, công nghệ cao. Đây là một lĩnh vực mới, phương thức thủ đoạn mà dạng tội phạm công nghệ cao sử dụng cũng vô cùng tinh vi, phức tạp. Đặc điểm của loại tội phạm này là các đối tượng thường không hoạt động đơn lẻ mà có tổ chức chặt chẽ. Nhờ internet và mạng di động nên các đối tượng có thể hoạt động trên địa bàn rộng, thậm chí trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy cho biết, với tội phạm công nghệ cao, tất cả chứng cứ đều ở dạng dữ liệu số nằm trong máy tính nên các cán bộ, chiến sĩ phải mất rất nhiều thời gian và công sức để chuyển hóa chứng cứ. 

Cuối năm 2014 vừa qua, chị cùng đồng đội đã phá chuyên án 113R, bắt giữ một nhóm hơn 20 đối tượng sử dụng internet và điện thoại di động chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của nhóm này là gửi tin nhắn trúng thưởng đến các số thuê bao di động, với mỗi tin nhắn trả lời, đối tượng thu được 500 đồng. Với hàng chục máy phát tin và số lượng tin nhắn phát tán khủng, trong một thời gian dài số tiền thiệt hại của những người bị chiếm đoạt tài sản đã lên đến hơn 20 tỷ đồng. 

Ròng rã suốt nửa năm, Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy cùng đồng nghiệp phải bám đuổi các đối tượng, xác định phương thức hoạt động, thủ đoạn các đối tượng đã sử dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân, địa điểm phát tán tin nhắn… Và đặc biệt là chuyển hóa các dữ liệu "ảo" trên máy tính thành các chứng cứ cụ thể. Sau khi cân nhắc tình hình vụ án, Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy được ban lãnh đạo giao nhiệm vụ đóng giả thành nhân viên chuyển phát nhanh tiếp cận "hang ổ" nơi các đối tượng tổ chức hành vi phát tán tin nhắn. Để nhiệm vụ đảm bảo thành công, trước khi hành động, Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy phải lên sẵn những tình huống có thể xảy ra: Nếu đối tượng không chịu mở cửa hay từ chối nhận hàng chuyển phát nhanh… Hơn ai hết, chị hiểu rằng việc nhập vai của mình có thuần thục, trôi chảy thì mới bắt giữ các đối tượng thành công, đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng đội. Cuối cùng, với sự tập trung và quyết tâm cao độ, Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy đã hoàn thành nhiệm vụ, dụ được đối tượng mở cửa để đồng đội ập vào tóm gọn các đối tượng khác khi đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phá thành công chuyên án 113R. 

Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy cũng chia sẻ, khi theo chuyên án này, chị liên tục phải mật phục, bám sát đối tượng để tìm ra thời gian hoạt động của đối tượng trong nhiều ngày liền, bất kể giờ giấc ngày hay đêm. "Nhưng với phụ nữ làm trinh sát, tính tỉ mỉ và kiên nhẫn đã là bản tính, và đó là lợi thế của phái nữ chúng tôi khi làm nghiệp vụ" - chị vui vẻ nói. Mới đây nhất, chị cùng đội Cảnh sát điều tra phòng chống tội pham về kinh tế đã khám phá thành công vụ sàn vàng IG, bắt giữ hơn 10 đối tượng và tiếp tục điều tra mở rộng. "Tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Đây là một lĩnh vực mới với nhiều khó khăn cho công tác điều tra nhưng càng khó, chúng tôi càng thấy say sưa với nghề, nghiệp vụ cũng được nâng cao lên" - Thiếu tá Hoàng Vũ Thủy chia sẻ.

Phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm và khó khăn là thế, nhưng các nữ trinh sát vẫn không hề dao động, gắn bó với ngành công an, đó không còn là nghề, mà còn là nghiệp. Mỗi lần đối mặt với một chuyên án phức tạp, là thêm một lần các chị say sưa với nghề, trau dồi bản lĩnh, nâng cao nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.