70 năm giải phóng Thủ đô

Những cách làm hay cần nhân rộng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, năm thứ 3 liên tiếp được UBND TP chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, qua 2 năm thực hiện, bộ mặt đô thị Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Vậy đâu là nguyên nhân tạo ra những bước tiến lớn nói trên. Báo Kinh tế & Đô thị xin điểm lại một số mô hình, cách làm hay của các địa phương và các lực lượng chức năng.

Xử lý kết hợp chống tái vi phạm

Trước tiên phải khẳng định rằng, những mục tiêu mà “Năm trật tự và văn minh đô thị” nêu ra trong 2 năm vừa qua không phải là vấn đề mới với chính quyền cơ sở, với lực lượng chức năng các phường, xã, quận, huyện. Bởi, vấn đề đảm bảo trật tự ATGT, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường từ lâu đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, điểm tạo ra sự khác biệt ở đây chính là thái độ xử lý vi phạm của các lực lượng. Nếu trước đây, các vi phạm trật tự đô thị thường được xử lý theo kiểu đến hẹn lại lên, đối phó với dư luận, thì nay việc xử lý vi phạm đã được đẩy lên một tầm cao mới - xử lý kết hợp chống tái vi phạm.
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Công Hùng
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Công Hùng
Đơn cử, cách xử lý những vi phạm trật tự đô thị trên phố Nguyễn Đức Cảnh của phường Tương Mai (quận Hoàng Mai). Trước đây vào giờ cao điểm khu vực này thường xuyên rơi vào cảnh UTGT do tình trạng các hộ kinh doanh bày bán hàng hóa, phương tiện lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Tuy nhiên, cũng với bộ máy đó, con người đó, vi phạm đó… nhưng với cách làm khác, những vi phạm tại đây đã được cải thiện đáng kể. Trung tá Lý Hải Nam - Phó trưởng Công an phường Tương Mai cho biết, trước khi tổ chức ra quân xử lý vi phạm, UBND, Công an phường và các lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không tái diễn vi phạm. Cùng với đó, sau ra quân xử lý, Công an phường đã bố trí lực lượng chốt trực tại khu vực đó để ngăn chặn tình trạng tái vi phạm. “Đối với những trường hợp đã ký cam kết nhưng tái phạm cần phải bị xử lý nghiêm, xử lý tăng nặng thì mới tạo được sức răn đe” - Trung tá Lý Hải Nam cho biết.

Xóa bỏ những rào cản của địa lý
Năm 2016, Hà Nội đặt mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ TNGT trên cả 3 tiêu chí: Thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, trật tự đô thị; Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; Nâng cao chất lượng quản lý, khai thác hạ tầng; Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, ATGT.

Từ trước đến nay, những bước đi đầu tiên, những việc làm đầu tiên... luôn là một mốc son quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, sự thành công của kế hoạch. Và Chỉ thị 01 của UBND TP về việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” cũng không phải là ngoại lệ. Bởi, mặc dù có hiệu lực từ những ngày đầu năm 2014, tuy nhiên phải đến những tháng giữa năm 2014 những quy định của Chỉ thị 01 mới thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những thành công bước đầu trên chặng đường xây dựng Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Và nếu phải kể ra một điểm sáng trong “Năm trật tự và văn minh đô thị” đầu tiên của TP – 2014 thì khó có thể bỏ qua việc “xóa sổ” chợ cóc trên phố Vũ Tông Phan, khu vực giáp ranh giữa phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) và Định Công (quận Hoàng Mai). Tuy nhiên, ít ai biết rằng những vi phạm trên có thể sẽ vẫn còn tồn tại, thậm chí tồn tại đến ngày hôm nay nếu không có một cuộc làm việc đột xuất của Công an TP Hà Nội với công an các phường có liên quan. Cụ thể, tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải đã yêu cầu công an 2 phường Khương Đình, Định Công phải xóa bỏ khoảng cách về địa lý trong công tác quản lý trật tự đô thị tại khu vực giáp ranh. Tăng cường tuần tra kiểm soát cũng như bố trí chốt chực trên toàn tuyến. Đặc biệt, ông Hải nhấn mạnh mỗi khi ra quân dẹp trật tự, lực lượng phường kia chưa đến hoặc không có mặt, phường này sẽ kiểm tra, xử lý toàn bộ vi phạm, nếu để tái diễn thì hai bên phải cùng chịu trách nhiệm bất kể diễn ra trên địa bàn nào. Và chỉ sau đó một thời gian, chợ “cóc” trên phố Vũ Tông Phan đã được xóa bỏ, và được duy trì tương đối ổn định cho đến ngày hôm nay.

Hiệu quả từ những... phiếu giao việc

Có thể nói, để bộ mặt đô thị Thủ đô có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương thì thành công trên có vai trò quan trọng của UBND TP Hà Nội nói chung và Công an TP Hà Nội nói riêng. Bởi trong hơn 2 năm vừa qua, UBND, Công an TP Hà Nội đã ban hành hàng nghìn phiếu giao việc, văn bản chỉ đạo yêu cầu xử lý các vấn đề gây bức xúc trong dư luận mà báo chí phản ánh.
Lực lượng chức năng tuần tra giữ gìn trật tự đô thị trên đường Minh Khai.  	Ảnh: Công Trình
Lực lượng chức năng tuần tra giữ gìn trật tự đô thị trên đường Minh Khai. Ảnh: Công Trình
Và chính với những biện pháp này và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là các cơ quan truyền thông của TP Hà Nội, hàng loạt vụ việc nổi cộm đã từng bước được xử lý. Đó là chưa kể đến việc, Công an TP Hà Nội đã thành lập nhiều đoàn công tác tăng cường tuần tra đột xuất tại các phường, xã, quận, huyện... để phát hiện, xử lý, yêu cầu xử lý những “điểm nóng” về trật tự đô thị... Chính những điều này khiến các lực lượng luôn có cảm giác “ngồi trên ghế nóng”, có thể bị “phạt nguội” bất cứ lúc nào và từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi công vụ. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra những thành công của Chỉ thị 01 trong thời gian qua. Và đây cũng sẽ là tiền đề, là một trong những biện pháp quan trọng để “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016” tiếp tục gặt hái được những thành công vang dội, đúng như kỳ vọng của Thủ đô.