Những câu chuyện pháp luật "nóng" ngày đầu Xuân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ nữ tử tù mang thai trong trại giam gây chấn động; Mùa lễ hội “nóng” vì nạn cờ bạc, trộm cắp, Khởi tố “bộ sậu” công ty đa cấp lừa đảo gần 2.000 tỷ đồng… là những thông tin pháp luật đáng chú ý tuần qua.

Thông tin về vụ nữ tử tù thoát chết bằng cách cố tình có thai trong trại giam tại tỉnh Quảng Ninh đã gây chấn động dư luận tuần qua, đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.

Mấy ngày qua dư luận xôn xao về vụ việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ ở trại giam Quảng Ninh đã thỏa thuận và mua tinh trùng của một nam phạm nhân và tự bơm vào âm đạo cố tình mang thai. Theo quy định của pháp luật, sau khi mang thai, tử tù Nguyễn Thị Huệ sẽ được hưởng ân huệ chuyển hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân. 

Nữ tử tù mang thai có lẽ là một trong những sự kiện hy hữu xảy ra trong lịch sử tố tụng của pháp luật Việt Nam. Lợi dụng những kẽ hở trong công tác giam giữ, lợi dụng những quy định nhân đạo của pháp luật, nhiều đối tượng đã nghĩ “trăm mưu ngàn kế” hòng thoát tội chết. Và có thai là kế sách mà nhiều nữ tử tù sử dụng để thoát chết. Về góc độ pháp lý, sự việc xảy ra cho thấy đây là kẽ hở cần phải điều chỉnh, tránh bị tội phạm lợi dụng. Vì đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc nữ tử tù mang thai.

Ngoài ra, vụ việc này xảy ra cho thấy việc quản lý trại giam, giam giữ tử tù chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Các cá nhân có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trách nhiệm trước hết thuộc về cán bộ quản giáo, họ hoàn toàn có thể bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngay sau Tết Nguyên đán, cùng với nhiều lễ hội diễn ra trên khắp các vùng miền đất nước là sự nở rộ, ăn theo của tệ nạn cờ bạc, đỏ đen trá hình trong không gian tổ chức lễ hội

Có đủ loại, đủ hình thức cờ bạc trá hình, khi là những trò chơi có thưởng: ném bóng, phi tiêu, chiếc nón kỳ diệu, chọi gà, đánh cờ...; có lúc lại là các sới bạc gần như công khai hoặc hoàn toàn công khai: xóc đĩa, tôm cua cá, đánh bài. 
Nạn cờ bạc "đỏ, đen" đang là những "điểm nhấn" buồn trong mùa lễ hội.
Nạn cờ bạc "đỏ, đen" đang là những "điểm nhấn" buồn trong mùa lễ hội.
Những ổ cờ bạc này được lập ngoài sân hội, trong khu dịch vụ vui chơi, trong cả khuôn viên các di tích đình, đền, chùa, nơi có hàng nghìn du khách, người hành hương đang tham quan, lễ bái. 

Song hành cùng tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, móc túi  đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người khi tham dự các lễ hội và đi đền, chùa đầu năm. Lợi dụng sự mất cảnh giác và tình trạng quá tải tại các lễ hội, các đối tượng trộm cắp luôn coi đây là “mùa” làm ăn và hoạt động rất mạnh.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội cho biết, qua phân tích nhiều vụ trộm cắp cho thấy, các đối tượng trộm cắp móc túi hiện nay ngày càng tinh vi hơn. Trước đây, nếu như chúng thường hành nghề nhỏ lẻ thì hiện nay đã hoạt động theo nhóm, có nhóm lên đến hàng chục tên, rải rác khắp nơi. Thủ đoạn quen thuộc của chúng là chen lấn vào đám đông, ra sức xô đẩy những người xung quanh, tạo cơ hội cho đồng bọn ra tay, sau đó chuyền tay nhau rồi đưa về nơi tập kết. 

Thậm chí chúng còn thành lập một nhóm chuyên theo dõi các lực lượng chức năng để thông báo tình hình cho đồng bọn. Do vậy, việc bắt quả tang đối tượng cùng tang vật trộm cắp khá khó khăn.

Thực tế, qua nhiều mùa lễ hội, không ít du khách đã trở thành “mồi ngon” của những tên tội phạm chuyên hành nghề “thời vụ”. Lợi dụng sự sơ hở của người dân đi chơi lễ như đeo trang sức hớ hanh và công tác an ninh có phần lỏng lẻo nên chúng đã ra tay hành nghề. Thậm chí, tội phạm trộm tài sản tại lễ hội, đền chùa đang chuyển hướng từ móc túi điện thoại, ví tiền sang lấy cắp tiền công đức và lễ vật.

Việc trộm cắp cướp giật tại các lễ hội cũng như nơi đông người từ lâu đã trở thành “hoạt động không thể thiếu” . Hết năm này qua năm khác, lực lượng chức năng kêu khó khăn, không quản lý nổi và rồi “đến hẹn lại lên”, năm nào cũng có nhiều người mất đồ vì móc túi, cướp giật, thậm chí hành động của chúng ngày càng trắng trợn và ngang nhiên.

Ngày 19/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Xuân Giang (trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam - Công ty Liên kết Việt) và Nguyễn Thị Thủy (trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên kết Việt) cùng 5 đồng phạm về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Được biết, từ đầu năm 2014 đến tháng 7/2015, với hình thức kinh doanh đa cấp, Giang và Thủy cùng đồng phạm đã "hút" được hàng ngàn tỷ đồng vào tài khoản của Giang.

Mới đầu, những người trong hệ thống kinh doanh đa cấp với Giang được nhận tiền hoa hồng. Tới tháng 9/2015, không thấy được tiếp tục trả tiền nên các bị hại đã đến Chi nhánh Công ty Liên kết Việt tại Hải Phòng và trụ sở Công ty tại Hà Nội để đòi tiền thì phát hiện công ty không còn hoạt động nữa.

Nhiều bị hại đã phải trình báo với cơ quan chức năng; cơ quan thông tin đại chúng cũng đã phanh phui những sai phạm của Công ty Liên kết Việt.

Qua vụ án này, một lần nữa cảnh tỉnh những người cả tin vào hoạt động kinh doanh đa cấp, nhất là những người già cả và sống ở vùng nông thôn, miền núi thiếu thông tin, không nên vội tin vào những “chính sách” hậu hĩnh mà các công ty đa cấp  “lừa đảo” đưa ra để rồi tền mất, tật mang.