Sáng 30/6 là lần thứ 3, Sở VHTT&DL cùng đơn vị thực hiện đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử (QTƯX) trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội" tổ chức hội nghị lấy ý kiến trước khi ban hành. Thế nhưng, còn quá nhiều băn khoăn về hiệu quả triển khai của đề án cũng như đặc tính riêng trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội.
Đi tìm nét riêng trong văn hóa Thủ đô
Trước tình trạng xuống cấp đáng báo động của văn hóa ứng xử, từ năm 2012, TP Hà Nội đã giao cho Sở VHTT&DL chủ trì phối hợp với Khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu xây dựng đề án Hệ thống QTƯX trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư trên địa bàn TP. Hơn 2 năm thực hiện, nghiên cứu, điều tra xã hội học, đề án đang hoàn thiện những công đoạn cuối, chuẩn bị phê duyệt, nghiệm thu để đi vào thực hiện. Tuy nhiên, cho đến khi hội nghị lấy ý kiến lần thứ 3, rất nhiều đại biểu vẫn đặt câu hỏi: Đâu là nét riêng của người Hà Nội trong đề án này?
Để cán bộ, công chức có hành vi ứng xử đúng mực trong cơ quan hành chính cũng cần có khen thưởng, kỷ luật rõ ràng. Ảnh: Đức Giang
|
6 đối tượng được đề cập đến để điều chỉnh, xây dựng bộ khung QTƯX lần này là: Bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính, doanh nghiệp, khu dân cư, khu vực công cộng; song vẫn gặp đâu đó những quy tắc mang tính trùng lặp, giống đặc tính ứng xử của nhiều địa phương khác như: Trách nhiệm, trung thực, giản dị, khiêm tốn... Theo PGS.TS Trần Thu Hương - Phó Chủ nhiệm khoa Tâm lý, ĐH KHXH&NV Hà Nội: "Khi tiếp cận với đề án, cảm giác đầu tiên của tôi là dàn trải, lặp đi lặp lại. Để tránh điều này, nên chăng, trước khi xây dựng QTƯX cho từng lĩnh vực nên có chuẩn mực chung sau đó mới đi vào từng khu vực. Làm như vậy, đề án sẽ rút ngắn được các QTƯX trùng lặp và thể hiện được nét đẹp văn hóa chung của người dân Thủ đô".
Nói như TS Mai Anh - Chủ nhiệm đề án: "Đề án được xây dựng theo tiêu chí: Ngắn gọn, dễ hiểu, không áp đặt, ổn định trong thời gian dài". Thế nhưng, ông Đàm Xuân Quang - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT nhận định: "Các QTƯX trong đề án còn mang tính khái niệm trừu tượng. Có ngắn gọn, dễ nhớ nhưng khi triển khai lại cần một bước cụ thể hóa các khái niệm như: Chuyên nghiệp, liêm chính, tri thức... là gì?".
Làm sao đi vào đời sống?
Theo kế hoạch, từ năm 2015 - 2020 sẽ là giai đoạn triển khai đề án. Là người tâm huyết với đề án, TS Mai Anh rất trăn trở với việc đề án sẽ được triển khai trong thực tiễn như thế nào? Chính vì vậy, song song với nhiệm vụ xây dựng và nghiên cứu đề án, Ban Thực hiện cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai đề án sao cho hiệu quả. Một trong những yêu cầu của công tác triển khai là thành lập ban chỉ đạo việc thực hiện các tiêu chí trên, sử dụng tốt các kênh tuyên truyền, xây dựng seri chương trình truyền hình thực tế, tiếp nhận thông tin QTƯX qua hòm thư quytacungxu@gmail.com... Thế nhưng, ông Phạm Văn Tài - Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP rất băn khoăn về hiệu quả triển khai: "Chúng ta đang thiếu "chiếc gậy" pháp lý cho công tác thanh tra, giám sát đề án trong quá trình triển khai. Ngoài ra, đề án có đưa ra công tác chấm điểm trao thưởng sau khi triển khai, nhưng đã có rất nhiều bài học nhãn tiền về cách chấm điểm mang tính phong trào". Đó là chưa kể hiện đang tồn tại hiện tượng quy tắc chồng quy tắc. Còn ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội thì cho rằng: Trong quá trình triển khai, đề án có thể tiếp tục được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Song, người dân vẫn mong đợi một đề án xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến.