Những chiến binh thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Thanh Oai

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Họ là những người xung kích trên tuyến đầu chống dịch, luôn phải đối mặt với nguy cơ cao mắc Covid-19. Nhưng vượt lên trên những mối lo hiểm nguy, áp lực công việc, những cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, dân quân làm nhiệm vụ tại khu cách ly y tế tập trung huyện Thanh Oai vẫn ngày đêm lặng thầm chiến đấu, bảo vệ cuộc sống an toàn cho người dân.

Lặng thầm dấn thân nơi tuyến đầu chống dịch

Bác sĩ Đinh Công Toàn (Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Là Tổ trưởng của lực lượng làm nhiệm vụ vòng 1 (vòng trung tâm) gồm 11 thành viên, trực tiếp phục vụ những công dân là trường hợp F1 nên tôi luôn ý thức nhiệm vụ nặng nề mà mình và các đồng đội được cấp trên tin tưởng giao phó. Ban đầu ai cũng bỡ ngỡ và không khỏi trăn trở làm thế nào để công việc trôi chảy. Song, hơn cả mong đợi, chỉ sau 1 tuần mọi công tác phối hợp giữa các thành viên trong tổ đều ăn ý, nhuần nhuyễn, nhờ đó mọi tình huống đều được xử lý nhanh gọn; đa số các công dân tự giác chấp hành và luôn ủng hộ, đoàn kết cùng lực lượng hoàn thành nhiệm vụ”.

 Dọn vệ sinh, khử khuẩn hàng ngày. Ảnh: Bình Minh

Chia sẻ về công việc thường nhật ở nơi “đặc biệt”, anh Toàn cho biết, hằng ngày, chuông điểm 6 giờ sáng, các anh chị em khẩn trương mặc quần áo bảo hộ để chuẩn bị bắt đầu công việc 1 ngày của mình. Đó là phun khử khuẩn, dọn vệ sinh, đưa đồ ăn cho các công dân và chuyển các đồ tiếp tế sinh hoạt cá nhân bên ngoài gửi vào (nếu có). Sau đó, các nhân viên y tế sẽ hỏi thăm, ghi nhận tình hình sức khỏe của từng công dân để cập nhật vào nhật ký. Còn cá nhân anh Toàn thường thức dậy từ 5 giờ sáng để tổng hợp báo cáo dịch tễ gửi về Trung tâm Y tế huyện, Ban Chỉ huy (BCH) Quân sự huyện và CDC Hà Nội.

 Lấy mẫu định kỳ cho công dân. Ảnh: Bình Minh

Theo bác sĩ Toàn, trong thời tiết khắc nghiệt nóng bức, trung bình mỗi ngày các anh chị em phải mặc bộ đồ bảo hộ không dưới 3 giờ đồng hồ để hoàn thành khối lượng công việc lớn, gồm: Đưa cơm 3 lần/ngày, phun khử khuẩn 2 lần/ngày, dọn vệ sinh 3 lần/ngày. Đặc biệt là chú trọng khâu vệ sinh khử khuẩn, từ tỉ mỉ lau từng tay nắm cửa, toàn bộ mặt sàn, hành lang, thu dọn rác bảo đảm đúng quy định phân loại rác thải sinh hoạt và rác thải y tế. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng mỗi lần mặc bộ đồ bảo hộ kín mít để hoàn thành các đầu việc kể trên quả thật không hề dễ dàng.

 Tất bật chuẩn bị các suất cơm kịp giờ đưa tới công dân. Ảnh: Bình Minh

Chẳng vậy mà ngoài 3 cán bộ nhân viên, y tế thì 8 người còn lại trong tổ (gồm 2 cán bộ BCH Quân sự huyện và 6 dân quân) phải mất tới 2 ngày mới thuần thục các thao tác mặc, cởi đồ bảo hộ đúng cách hay đơn cử như buộc túi rác đúng quy định. “Có đồng chí phải làm đi làm lại nhiều lần, thậm chí có người còn rơi nước mắt khi phải làm cho đạt yêu cầu mới thôi. Nhưng sau tất cả, ai nấy đều rất nhiệt tình và hiểu rằng khâu kiểm soát nhiễm khuẩn phải được đặt lên hàng đầu, bắt buộc phải bảo đảm chặt chẽ, nghiêm ngặt không để xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất” - bác sĩ Toàn cho hay.

Ngoài công việc lập trình hàng ngày, các y bác sĩ còn kiểm tra sức khỏe cho công dân bất kể thời gian nào nếu công dân báo có dấu hiệu ho, sốt; triển khai lấy mẫu xét nghiệm định kỳ; hỗ trợ tối đa đối với các trường hợp F1 trở thành F0 chuyển đi điều trị tại cơ sở y tế mới. Vậy nên, thiếu ngủ hay nhiều đêm ngủ không trọn giấc đối với các y bác sĩ là chuyện thường tình. Họ cũng không nhớ nổi đã bao lần vừa mở hộp cơm nhưng nghe thông báo có việc phát sinh đột xuất là lại lập tức mặc đồ bảo hộ “lên đường” ngay. Với họ, niềm vui lớn nhất là nhận được thông báo kết quả xét nghiệm âm tính của công dân sau những giờ phút hồi hộp đợi chờ.

Dằn lại nỗi nhớ gia đình, dốc sức vì sức khỏe cộng đồng

Những ngày qua sẽ là những ngày không thể quên đối với các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, dân quân đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly y tế tập trung huyện Thanh Oai. Họ đã nén lại những tình cảm ruột thịt để tập trung hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng tuyến đầu là chiến thắng dịch Covid-19.

 Những giây phút tranh thủ 'xả hơi' sau hoàn thành công việc. Ảnh: Bình Minh

Đã tròn 1 tháng cô dân quân Nguyễn Thị Hường, sinh năm 2000, ở xã Cao Viên tình nguyện tham gia làm nhiệm vụ trong khu cách ly y tế tập trung. Với Hường, chuỗi ngày sống và làm việc trong khu cách ly chưa bao giờ khiến em thấy mệt mỏi hay nhàm chán bởi lý tưởng sống của Hường là “Tuổi trẻ phải dấn thân, trải nghiệm và cống hiến cho cộng đồng, cho Tổ quốc!”. Và dù là 1 trong số rất ít “bóng hồng” dũng cảm nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch nhưng Hường luôn dặn mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cố gắng nhiều hơn để góp sức nhỏ bé của mình cùng quê hương, đất nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.

“Tối nào cũng vậy cứ tầm 19 giờ em lại nhận được cuộc gọi qua zalo của mẹ với những câu hỏi quen thuộc như: “Con đã ăn cơm chưa? Con đang làm gì thế?”. Chưa khi nào em nói là nhớ mẹ, nhớ nhà nhưng trong sâu thẳm trong lòng thực sự em rất nhớ vì chưa khi nào em xa gia đình lâu như thế. Song, mỗi lần nói chuyện với mẹ, em như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình” – Hường tâm sự.

Luôn hoàn thành nhiệm vụ trong bộ đồ bảo hộ dưới năng nóng gay gắt. Ảnh: Bình Minh

Thượng úy Phạm Văn Hà, sinh năm 1980 (BCH Quân sự huyện Thanh Oai), quê ở xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) vẫn thường được các công dân trong khu cách ly gọi với cái tên trìu mến là “kỹ sư điện nước 24/24h”. Bởi, ngoài những công việc hàng ngày, anh Hà còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác như: Sửa bóng đèn, chữa quạt cháy, thông tắc cống…, không ngại phiền hà, cứ có công dân gọi điện nhờ hỗ trợ là anh Hà có mặt giúp đỡ ngay.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh Hà và tất thảy mọi người trong khu cách ly đó là cách đây hơn 1 tuần, trong khu xảy ra sự cố mất nước đúng vào thời điểm gần 1 giờ sáng. Sốt ruột vì không thể để mất nước kéo dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, anh Hà đã cùng thảo luận với các anh em trong tổ, đề xuất với Ban điều hành khu cách ly quyết định chọn giải pháp lấy nước từ họng nước chữa cháy để bơm lên téc nước trên tầng thượng, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công dân.

Chia sẻ về động lực làm việc của mình, Thượng úy Phạm Văn Hà cho biết, niềm động viên lớn nhất của anh sau những giờ phút tất bật với công việc là mỗi tối được trò chuyện với những người thân yêu qua điện thoại. Đó là lời dặn dò giữ gìn sức khỏe của vợ, là câu nói dễ thương của cậu con trai 5 tuổi “Hết dịch bố về với chúng con nhé!”.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, những cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, dân quân trong khu cách ly còn lan tỏa tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để phòng, chống dịch hiệu quả. Và còn rất nhiều những kỷ niệm, những niềm vui, những nỗi buồn và hàng trăm việc “không tên” mà các cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, dân quân đã đồng hành, sẻ chia với công dân như những người thân trong gia đình.

Ấm tình quân dân

Thượng tá Trần Đình Thành - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Oai cho hay: “Khu cách ly y tế tập trung huyện Thanh Oai (trường THCS Bình Minh) chính thức vận hành từ ngày 24/7, hiện tại, đang có 96 công dân đang cách ly. Đối với hầu hết số cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, dân quân đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly đều là trải nghiệm đầu tiên trong môi trường cách ly. Song, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng tôi không hề nao núng mà nhanh chóng thiếp lập và sắp xếp công việc cũng như cuộc sống trong khu cách ly một cách khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công dân cũng như lực lượng làm nhiệm vụ”.

Khu cách ly y tế đón nhận sự động viên, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân, đoàn thể. Ảnh: Bình Minh

Nhiều công dân cách ly tại đây chia sẻ, dường như họ không đi cách ly mà cảm thấy như được trải nghiệm một khoảng thời gian tĩnh lặng để sống chậm lại. Chẳng vậy mà, trước ngày hoàn thành thời gian cách ly để trở về với gia đình, thay mặt cho các công dân quận Hai Bà Trưng, ông Vũ Duy Bích, sinh năm 1955, ở phường Đồng Nhân đã viết thư cảm ơn gửi đến Ban chỉ đạo khu cách ly y tế tập trung huyện Thanh Oai với những câu từ thân mật, đầy cảm xúc chân thành bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự ân cần phục vụ từng miếng ăn giấc ngủ, sự động viên quý báu của các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, dân quân nơi đây.

Theo Thượng tá Trần Đình Thành, xúc động hơn cả là lời “cam kết” của công dân sau khi trở về nhà sẽ tiếp tục cách ly bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng và những dòng tin nhắn chúc sức khỏe của công dân đã tiếp thêm động lực để toàn lực lượng thêm vững vàng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

 Người dân ủng hộ nông sản cho khu cách ly tập trung. Ảnh: Bình Minh
 Niềm vui của em nhỏ khi nhận được quà. Ảnh: Bình Minh

Điều đáng ghi nhận là trong suốt những ngày qua, khu cách ly y tế tập trung luôn nhận được sư chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Thanh Oai; sự động viên, sẻ chia kịp thời của các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm khi trực tiếp đến thăm hỏi, ủng hộ một lượng lớn nhu yếu phẩm, vật tư y tế…

Hơn tất cả đó là sự trân quý những việc làm thiết thực, những món quà ý nghĩa từ cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Oai nói chung và xã Bình Minh nói riêng đã dành cho lực lượng làm nhiệm vụ và công dân ở khu cách ly. Không thể không kể đến sự tận tụy của các cô giáo trường mầm non đã tình nguyện nấu những bữa cơm ngon; Đoàn thanh niên xã đến tận nơi cắt tóc cho lực lượng làm nhiệm vụ và huy động, kêu gọi các “mạnh thường quân” tặng sách vở, đồ chơi cho các cháu thiếu nhi trong khu cách ly…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần