Theo đánh giá, sự thay đổi này đang mang đến những chuyển biến tích cực, là cơ sở để cho thị trường đi vào quy củ, cạnh tranh lành mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải chủ động bám sát, theo dõi những diễn biến bất thường.
Nhiều chính sách mới
Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm giải quyết bất cập, đẩy nhanh trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, BĐS như: Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, phù hợp với pháp luật về Đầu tư và pháp luật về Xây dựng sửa đổi năm 2020. Trong đó sửa đổi, bổ sung và quy định cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở; Lập, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở. Lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới, quản lý vận hành nhà chung cư...
Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Trong đó, có quy định chi tiết về trình tự thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư dự án; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới, dự án kinh doanh BĐS...; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Trong đó sửa đổi, bổ sung và quy định cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản thủ tục hành chính trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội; Giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, hồ sơ và xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội... Cùng với đó, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng cũng được ban hành.
“Những thay đổi về pháp lý được xem là “xung lực mới” cho thị trường BĐS, bên cạnh những Nghị định, nhiều luật cũng được sửa đổi, bổ sung đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, như: Luật Doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm với điểm nhấn là huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp. Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường BĐS trở nên lành mạnh, minh bạch hơn” - Chuyên gia tài chính, ngân hàng TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Thị trường tiềm ẩn rủi ro
Mặc dù một số “lỗ hổng” về pháp lý liên quan đến BĐS, đã được “lấp đầy” trong thời gian qua. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy các cơ quan chuyên môn và địa phương phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến, kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường BĐS phát triển một cách ổn định, bền vững.
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, đảm bảo an sinh xã hội. Theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường, đặc biệt là cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghiên cứu, xây dựng đề cương Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2040 thay thế Quyết định số 2127/2011/QĐ-CP Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hoàn thiện Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn nhà ở công vụ trên cơ sở tổng hợp, báo cáo đề xuất các Bộ, ngành, địa phương.