Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2022

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 10/2022, nhiều chính sách, pháp luật mới có hiệu lực chính thức được áp dụng như: Tên miền vi phạm pháp luật về an ninh mạng sẽ bị thu hồi; Người sử dụng lao động không còn được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính hàng hải…

Người sử dụng lao động không còn được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.

Người sử dụng lao động nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Như vậy, từ ngày 1/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử

Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10.

Nghị định có 3 mức độ tài khoản định danh điện tử là: tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của cá nhân (gồm các thông tin cá nhân như số định danh cá nhân, họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính); tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân (gồm các thông tin của mức độ 1 và có thêm thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay); tài khoản định danh điện tử của tổ chức (gồm mã định danh điện tử, tên tổ chức bằng tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có), tên tiếng nước ngoài (nếu có), ngày thành lập, địa chỉ nơi đặt trụ sở chính, số định danh, họ tên người đại diện theo pháp luật/người đứng đầu của tổ chức).

Chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam sẽ không phải thanh toán chi phí đăng ký tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử. Trong khi đó, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ xác thực điện tử phải thanh toán chi phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật. Cũng theo nghị định, người từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử.

Tên miền vi phạm pháp luật về an ninh mạng sẽ bị thu hồi

Theo Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, từ ngày 1/10, hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền.

Nghị định cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền. Theo đó, 2 trường hợp áp dụng gồm: Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng; Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền.

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Đơn giản hóa thủ tục hành chính hàng hải

Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2022/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong hàng hải, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10.

Theo đó, một số hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải được cắt giảm thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính như: Cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển; cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên. Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tới việc công bố mở bến cảng, cầu cảng, bến phao và các khu nước, vùng nước.

Hầu hết các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 69/2022/NĐ-CP giúp cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, quy định của thủ tục hành chính, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện cho DN và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần