Cổ tích giữa đời thường
Ánh nắng chiều tháng 7 dần tắt cũng là lúc Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số II (phường Giang Biên, quận Hà Đông, Hà Nội) Lê Trọng Thủy dẫn chúng tôi tới thăm bốn thương binh, bệnh binh nặng đang được chăm sóc suốt đời.
Trong một căn phòng của khu nhà biệt thự, anh thương binh hạng ¼ Nguyễn Thành Đô đang ngồi xe lăn xem ti vi, phấn chấn hẳn lên khi có khách đến.
“Anh Đô là người bị đau nhiều nhất trong số 4 anh em thương, bệnh binh ở đây” – anh Thủy nói với chúng tôi.
Câu chuyện trở nên lắng xuống khi anh Đô kể về gia đình mình quê gốc Hà Nội có 4 anh em trai. Anh cả là thương binh chống Mỹ ở chiến trường Quảng Trị; em trai hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc; bản thân anh Đô tham gia mặt trận Vị Xuyên trở về cuộc sống đời thường bị tủy sống, hai chân teo lại trong đó một bên bị gãy phải dùng nẹp sắt.
“Mỗi khi thay đổi thời tiết tôi lại bị đau nửa người. Tôi thường xuyên phải rung bàn tay vào chỗ đau bên hông để tạo cảm giác dễ chịu một chút”- anh Đô thủng thẳng nói và cố gắng co chân phải lên, hai tay bó gối.
Bị mất 81% sức khỏe, anh Đô được hưởng chế độ chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Thế nhưng, anh lính pháo binh năm xưa hàng ngày vẫn tự ngồi xe lăn để tắm. Anh nghĩ, cái gì cố gắng làm được thì nên làm.
Cũng vì cái lẽ đó, hơn 17 năm trước, dù thân thể không lành lặn, thương binh Thành Đô vẫn nhờ anh Thủy đạp xe, còn mình ngồi xe lăn, tay bám ghi đông đi vào trong làng tìm hiểu cô thôn nữ.
Một năm trời theo đuổi, cô thôn nữ từ cảm phục, cảm mến đã chuyển sang yêu anh. Tuy chuyện tình cảm của hai người bị gia đình cô gái cấm cản nhưng cuối cùng họ vẫn đến được với nhau. Thành quả của tình yêu là một bé trai thông minh nay đã tròn 15 tuổi vừa trúng tuyển lớp 10 trường THPT Trần Nhân Tông.
Hạnh phúc bình dị
Kế bên căn phòng của anh Thành Đô là không gian của anh Lê Văn Tí, bệnh binh 1/3, sinh năm 1960 là người nhiều tuổi nhất trong số bốn anh em đang sống suốt đời ở tại Trung tâm. Khó khăn trong di chuyển nên anh Tí luôn lấy chiếc ti vi làm bạn và theo dõi tin tức hàng ngày.
Anh Tí có quê gốc ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Năm 1978 anh tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc, đóng quân ở khu vực ngã ba cửa khẩu Tân Thanh. Bọn giặc bắn phá, cây đổ, giữa cái sống và chết rất mỏng manh nhưng không ngăn được sức chiến đấu anh dũng của những chàng thanh niên trẻ...
Ba năm sau, khi vẫn đang ở ngoài mặt trận, tự nhiên anh Tí bị đau nhức cơ thể, lúc đầu còn đi lại được. Một thời gian sau anh bị liệt hẳn phần thân dưới.
Do ngồi xe lăn nhiều, chân cẳng da thịt không còn, bị lở loét. Đến năm 2006, anh Tí phải tháo một khớp háng bên trái, lưỡi rụt lại, cứ ngỡ thần chết mang anh đi...
May mắn vì cuộc đời đã không lấy đi của anh tất cả, anh Tí được một phụ nữ yêu thương và hai người trở thành vợ chồng 27 năm nay. Hai người không có con, những năm đầu cuộc sống vô cùng chật vật, hàng ngày từ 4 giờ sáng chị vợ anh Tí đã thức dậy chở bao tải khoai lang ra chợ Hà Đông bán. Thế nhưng, hai vợ chồng anh Tí luôn cảm thấy hạnh phúc.
“Giờ tôi chỉ còn cái mồm! Chân không cử động được gì cả. Lấy những thương binh nặng như chúng tôi, các cô ấy phải chấp nhận nhiều”- anh Tí nói về người vợ chung thủy, sắt son bằng giọng trìu mến, ánh mắt thể hiện rõ niềm hạnh phúc.
Cựu lính 59 tuổi cũng thẳng thắn nhận xét mình bây giờ đã nền tính rất nhiều, không bi quan như ngày trẻ, mở miệng ra là nói tục, chửi càn. “Ngày xưa tính khí tôi khó chịu 10 giờ chỉ còn 1, 2. Thời trai trẻ chúng tôi bất mãn nhiều vì người ta đi lại đây đó còn mình phải nằm một chỗ rất ức chế”- anh Tí giải thích.
Nhiều điều xúc động còn đọng lại
Sở dĩ anh Tí, anh Đô... có sự thay đổi tích cực một phần bởi càng ngày càng được hưởng nhiều hơn những chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa các anh luôn nhận được sự chăm sóc tận tình, chu đáo từ quản lý đến nhân viên Trung tâm. Thậm chí, họ luôn coi thương binh, bệnh binh như người thân ruột thịt...
Vì gắn bó với thương binh, bệnh binh, đồng lương thấp, nhưng không ít cán bộ, nhân viên nguyện gắn bó mãi với công việc ở nơi đây. Một nhiệm vụ chính của Trung tâm là mỗi năm điều dưỡng trên 2.000 thương binh, bệnh binh nhưng chỉ có 46 cán bộ, nhân viên. Vì thế, nhiều người lúc này là nhân viên chăm sóc, lúc khác lại đi trồng rau, hôm sau lại lên sân khấu, khiến không ít cụ đến điều dưỡng bất ngờ và cảm phục.
Giám đốc Nguyễn Văn Triệu vẫn nhớ về một buổi chia tay, cả hội trường hết sức ngạc nhiên khi thấy cụ ông trên 90 tuổi đi không vững, giọng không tròn vẫn xung phong lên đọc bài thơ do mình sáng tác, chỉ muốn bày tỏ sự cảm ơn dành cho anh em Trung tâm.
Bữa cơm chiều quây quần của các thương binh, bệnh binh đang được điều dưỡng ở Trung tâm. Ảnh: Thủy Trúc |
“Vừa rồi, Trung tâm đã cải tạo lại phòng đọc báo, căng tin. Tới đây, sẽ có hai căn biệt thự được cải tạo mẫu theo hướng các phòng trong đó đều có khu vệ sinh khép kín. Đến năm 2020 sẽ làm nốt 8 biệt thự còn lại để các cụ thương binh, bệnh binh thuận tiện sử dụng” – Giám đốc Triệu chia sẻ.
Trên đoạn đường tiễn chúng tôi ra về khi trời đã tối, Phó Giám đốc Thủy say sưa giới thiệu vườn hoa phong lan được anh dầy công gây dựng. Anh đưa ra ý tưởng, dưới những gốc nhãn cổ thụ sẽ có vài mái nhà chòi để các cụ ngồi thư giãn và ngắm nhìn vườn phong lan khoe sắc tỏa hương.
Giám đốc Nguyễn Văn Triệu, Phó Giám đốc Lê Trọng Thủy mong muốn một ngày không xa các dự án cải tạo để Trung tâm khang trang, hiện đại hơn sớm thành sự thật. Để nơi này thực sự là điểm đến thú vị, như là “Một lần tôi đến thành quen/Trung tâm điều dưỡng một miền đáng yêu” trong bài thơ "Cảm xúc với Trung tâm" được ông Thức đến từ huyện Quốc Oai sáng tác sau một tuần điều dưỡng ở tại nơi này.