Những con số theo phong thủy cần chú ý khi xây nhà

ThS-KTS Hà Anh Tuấn – Ảnh: Xuân Trang
Chia sẻ Zalo

Chuyện làm nhà cửa luôn không chỉ giới hạn ở việc tạo dựng ra công trình.

Nơi ăn ở do con người làm chủ thể luôn chịu nhiều tác động, biến đổi của môi trường thiên nhiên và cả yếu tố văn hóa – xã hội. Khoa học phong thủy tồn tại lâu nay vì đã phản ánh hiện thực đó, và chịu sự ảnh hưởng của nền tảng văn hóa nơi cư ngụ.

Những con số theo phong thủy cần chú ý khi xây nhà - Ảnh 1

Nhà cửa cũng như con người, có Tướng (hình dáng, cấu tạo, bề mặt) và có Số (nội khí bên trong, cơ sở tính toán, mức độ nhiều ít). Phong thủy cũng là khoa học, có định tính và định lượng, trong đó phần định lượng thể hiện qua hệ kích thước, phân cung la bàn và những kiêng kỵ liên quan đến các con số.

Từ tỷ lệ vàng phương Tây và quan hệ số học tạo nên thẩm mỹ

Văn minh Tây phương từ lâu đã xác định tỷ lệ vàng là một tỷ lệ thể hiện sự cân đối, hài hòa, qua con số 0,6180389 hay 61,8%. Trong lịch sử nhân loại, con người phát hiện ra tỷ lệ vàng xuất hiện mọi nơi trong tự nhiên như một điều bí ẩn đằng sau cái đẹp.

Tỷ lệ vàng xuất hiện trong tự nhiên và các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới
Tỷ lệ vàng xuất hiện trong tự nhiên và các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới

Dãy số Fibonacci là dãy vô hạn các số tự nhiên bắt đầu bằng hai phần tử 0 và 1 hoặc 1 và 1, các phần tử sau đó được thiết lập theo quy tắc mỗi phần tử luôn bằng tổng hai phần tử trước nó.

Quy luật tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại xuất hiện ở những thứ phức tạp nhất trong thiên nhiên và ngay cả bản thân vũ trụ cũng thể hiện quy luật này.

Quan hệ số học trong các yếu tố tự nhiên biểu hiện qua rất nhiều loại hoa lá, sinh vật, đất đá mang dấu ấn tỷ lệ vàng, ví dụ hoa hướng dương có phần trung tâm của nhụy hoa xoắn theo các đường cong biểu lộ tỷ lệ vàng.

Cơ thể con người cũng vậy, chiều dài từ khuỷu tay đến cổ tay bằng chiều dài bàn tay nhân với 1,618. Các danh họa từ xưa cũng không ngừng tìm tòi các quy luật thẩm mỹ, trong đó nổi tiếng hơn cả là Leonardo Da Vinci đã chứng minh cơ thể con người được tạo từ các khối mà tỷ lệ giữa chúng luôn quan hệ theo con số 1,618.

Cũng từ tỷ lệ vàng mà các công trình kiến trúc Tây phương hay Đông phương, dù gọi theo tên công cụ hình học hệ inch, hệ mét hay thước tầm, hệ thước Lỗ Ban, thì hầu hết cũng luôn tuân thủ hoặc cố ý hoặc vô tình rơi vào tỷ lệ vàng.

Có thể ví dụ sơ đồ liên hệ giữa tỷ lệ vàng và hình ảnh mái chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội) của Việt Nam như một giao lưu văn hóa Đông – Tây thú vị.

Hằng số tỷ lệ vàng còn chi phối nhiều quy luật thẩm mỹ khác như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh… Trong nhiếp ảnh có một nguyên tắc bố cục gọi là nguyên tắc “một phần ba”: chủ thể của bức ảnh đặt lệch về 1/3 so với chiều dài hay chiều rộng thì được cho là sẽ rơi vào điểm hấp dẫn thị giác nhất.

Trong sáng tạo điện ảnh cũng ít khi chia đôi khung cảnh mà chuộng chia ba hơn. Dĩ nhiên vẫn có nhiều cách bố cục khác nhưng đây là cách tạm gọi là kinh điển và căn bản nhất.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy những con số tỷ lệ thẩm mỹ đều xuất phát từ con người, lấy con người làm đối tượng tính toán và do đó sự thoải mái trong sử dụng hay hấp dẫn trong thẩm mỹ mà con người thụ cảm được không phải là huyền bí hay duy tâm, mà rất duy vật, đời thường, cụ thể, mà các hướng dẫn thiết kế hay tiêu chuẩn xây dựng hiện nay đã cụ thể hóa những số đo truyền tụng từ xưa, được diễn giải dưới góc độ thống kê.

Trong công trình tháp Eiffel nổi tiếng, phần thân chính so với chiều cao tổng tháp là 184,8m / 300,5m = 61,5%. Các kích thước của Kim tự tháp (Ai Cập), của Angkor Wat (Campuchia) và đa số các di sản kiến trúc khác trên thế giới cũng đều rơi vào “khung chuẩn” dưới dạng này hay dạng khác của tỷ lệ vàng.

Đến những con số của văn hóa Việt trong phong thủy

Cây thước tầm dân gian Việt Nam cũng xuất phát từ tỷ lệ cơ thể con người vì được đo từ ngón tay hay đốt gốc ngón tay út của gia chủ để làm đơn vị căn bản (có xê xích chút ít tùy theo cơ thể mỗi người và phường thợ khác nhau), từ đó tạo nên các bội số dùng trong cấu kiện làm nhà rất tương xứng với người sử dụng.

Số bậc cầu thang, bậc cấp, xà gồ lợp mái, kích thước cửa… là những thành phần rất hay được cân nhắc, kiêng kỵ trong làm nhà xưa nay
Số bậc cầu thang, bậc cấp, xà gồ lợp mái, kích thước cửa… là những thành phần rất hay được cân nhắc, kiêng kỵ trong làm nhà xưa nay

Quan hệ các phần của bộ khung nhà truyền thống Việt theo các nghiên cứu khoa học mới nhất cũng đều rơi vào quy luật tỷ lệ vàng phương Tây, vừa có tỷ lệ hài hòa theo quy luật thẩm mỹ chung, vừa có nét đặc sắc riêng của địa phương.

Người Việt hình thành và phát triển văn hóa sống của mình trong vùng nông nghiệp lúa nước, với nhiều ứng xử thiên về số lẻ như kết cấu nhà ba gian, cổng tam quan, nhiều gia đình thường chưng bộ tam đa (tượng Phúc Lộc Thọ), ba hòn đá tượng trưng cho bếp (một bà hai ông thuộc quẻ Ly – Hỏa với hai hào dương kẹp giữa một hào âm…) làm nên văn hóa thờ cúng táo quân cai quản gia đạo mỗi nhà.

Số 3 trong văn hóa Việt vì thế không chỉ là con số biểu hiện thuyết tam tài (Thiên Địa Nhân) mà trở thành từ dùng để ước lượng số nhiều, biểu hiện nghĩa “đa”, tức là sự phong phú, dồi dào.

Ví dụ như ba chìm bảy nổi, ba lần bảy lượt, thậm chí nếu “ba” quá mức thì lại được hiểu theo nghĩa tiêu cực, không chuyên tâm, lộn xộn, ví dụ như ba lăng nhăng, ba hoa, ba phải, ba láp ba xàm…

Từ ba trong tiếng Việt còn được dùng với nghĩa chỉ giới hạn, ví dụ quá tam ba bận, chẳng ai giàu ba họ chẳng ai khó ba đời,…

Có lúc số 3 biểu hiện cho sự không may mắn: chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3, tháng Ba ngày 8, tháng Ba bà già chết rét… đều tương ứng với kinh nghiệm sử dụng lịch nông nghiệp, nhờ dân gian đã quan sát lâu đời đúc kết lại.

Số 2 cộng với 3 ra số 5, là con số có tính chất trung tâm đại diện cho tư duy phương Đông coi trọng giao hòa Âm Dương, chẵn cộng lẻ, âm hội dương, là Ngũ hành, là Ngũ tạng, Ngũ giới, Ngũ sắc, Ngũ vị…, bàn tay năm ngón, nói chung bộ ngũ được biểu trưng cho toàn bộ thế giới vật chất trong góc nhìn của văn hóa Đông phương.

Số 5 là ngũ hoàng Thổ trong huyền không quy ước nằm ở trung tâm, bốn phương tám hướng phân bố chung quanh làm nên Cửu cung ma phương có ứng dụng rất đa dạng trong Phong thủy.

Truyền thống văn hóa dân tộc Việt ta trọng số lẻ là số dương, dành cho người sống, khiến nhà cửa truyền thống Việt chủ yếu là dùng số lẻ, như nhà ba gian, năm gian, kiến trúc lối tam tòa (Cổ Loa, kinh thành Huế… đều có ba vòng thành).

Ngọ Môn chính diện có ba cửa, với hai cửa phụ, hai bên nữa là thành năm, trên nóc có chín nhóm mái, cột cờ, hay đàn tế cũng làm ba cấp…

Còn nhà mồ ở Việt Bắc hay Tây Nguyên thì cầu thang là số chẵn (số dành cho âm phần). Đặc trưng ngôi nhà ba gian (hay năm gian) của Việt Nam rất khoa học và thẩm mỹ.

Thứ nhất là không gian liên tục, không bị chia cắt kiểu phân phòng hiện đại, tất cả đều sinh hoạt chung và riêng dưới một mái nhà thống nhất.

Thứ nhì là tổ chức hình khối gọn ghẽ rõ ràng, hướng nhà và hướng phòng đều là một. Nếu có phát triển thêm thì làm các chái nhà hay dãy nhà phụ, không làm méo mó ngôi nhà gốc.

Thứ ba về phong thủy và lựa chọn trang trí cũng trong một không gian đơn trạch nhất quán như vậy, tuy mở mà đóng (tùy thuộc mở cửa, kê đồ, đặt bình phong mà nhà này khác nhà kia) hay gọi theo kiểu hiện đại là open space, không gian liên thông, cởi mở.

Cần áp dụng có chọn lọc và hài hòa

Quá trình giao lưu, giao thương với người Trung Hoa đã khiến người Việt cũng có tập quán gắn liền ý nghĩa các con số với cách phát âm.

Giải pháp in hình 9 con số của Cửu cung Dịch học trên sàn kính của một ngôi nhà hiện đại
Giải pháp in hình 9 con số của Cửu cung Dịch học trên sàn kính của một ngôi nhà hiện đại

Điều này còn gọi là hiện tượng văn hóa “liên tưởng đồng âm” trong đó mọi ý nghĩa của đời sống hay gán ghép với những từ được xem là may mắn hay xui xẻo trong đời sống.

Cụ thể là số 8 (bát) được ưa thích vì phát âm gần với chữ Phát (tài, lộc), trong khi số 4 (tứ) lại phát âm nghe gần giống chữ tử (chết).

Do đó đa số chung cư cao tầng hiện nay không đánh số có tầng số 4 mà gọi là 3A hay 3Bis gì đó. Và ngay cả tầng số 13 cũng bị kiêng kỵ bởi theo quan niệm Tây phương thì 13 là con số không may mắn. Số 9 cũng gọi là số may mắn vì nó đứng cuối cùng dãy số, tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn.

Những con số theo phong thủy cần chú ý khi xây nhà - Ảnh 2
Dù kiểu nhà cổ điển hay hiện đại, các con số ứng dụng phong thủy luôn cần đặt tính tiện dụng, công năng và hài hòa thẩm mỹ lên hàng đầu
Dù kiểu nhà cổ điển hay hiện đại, các con số ứng dụng phong thủy luôn cần đặt tính tiện dụng, công năng và hài hòa thẩm mỹ lên hàng đầu

Đặc trưng nằm tại giao lộ của nhiều dòng chảy văn hóa thế giới khiến Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều các quan niệm về số của Trung Hoa và các nước khác.

Khá nhiều chọn lựa bài trí nhà cửa, chọn số tầng, số phòng, đếm số bậc thang… đều tuân theo các quan niệm gắn liền với sự hên xui. Vấn đề là khi áp dụng vào đời sống có hợp lý hợp tình hay không.

Một số tư liệu phong thủy dân gian truyền miệng có nhắc đến cách đếm số bậc thang (sinh – lão – bệnh – tử, hay thành – thịnh – suy – hủy…), đếm đòn tay (xà gồ) lợp mái và thậm chí là đếm cả số lượng cửa, số trụ lan can…

Tuy nhiên, ngoại trừ yếu tố số bậc thang là lẻ để thuận theo chân bước và hết bốn bậc là tương ứng với quy luật tuần hoàn, còn lại đa số các truyền tụng kiểu này mang nặng tín ngưỡng dân gian, tức là hình thành theo niềm tin và được cộng đồng lan truyền lâu ngày thành thói quen, thậm chí xảy ra tình trạng lệ thuộc vào các con số mà không theo cơ sở khoa học.

Nhiều người kéo thước đo cả phần đặc, phần khối, gặp cái gì cũng muốn “lùa” vào kích thước may mắn, trong khi thước Lỗ Ban là để đo lọt lòng không gian sử dụng, đo lọt lòng cửa nạp khí vào nhà, không đo cửa sổ…

Những biểu hiện kiêng cữ mà thiếu cơ sở khoa học khiến việc làm nhà trở thành phức tạp cần phải được loại bỏ dần, hướng đến xây dựng không gian sống văn minh, tôn trọng truyền thống nhưng không sa đà vào mê tín.